Hải Phòng: Chuẩn bị nguồn nhân lực cho doanh nghiệp thời kỳ Công nghiệp 4.0

Chiều 1/4, tại Hải Phòng, Đại học RMIT và Tập đoàn Sao Đỏ đã bế mạc chương trình đào tạo kỹ năng nghiệp vụ dành cho các quản lý cấp trung tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Bà Mish Eastman, thừa hành Phó Chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Đào tạo nghề), Phó giám đốc Đại học RMIT phát biểu. 

Đây là chương trình thí điểm nhằm nâng cao năng lực, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp về logistics và sản xuất tại các khu công nghiệp trong thành phố.

Chương trình đào tạo tập trung vào hai kỹ năng quan trọng là "Giao tiếp tạo ảnh hưởng" và "Quản lý tài chính", giúp các quản lý cấp trung nắm bắt những kỹ năng cần thiết để giao tiếp hiệu quả, đưa ra quyết định tốt hơn và đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Mục đích của chương trình này nhằm thử nghiệm cách tiếp cận đào tạo kỹ năng cho người lao động tại doanh nghiệp, đánh giá mức độ khả quan và đánh giá phương thức triển khai của chương trình tại thành phố Hải Phòng, mở ra các cơ hội hợp tác đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ của Đại học RMIT tại thành phố. 

Bà Mish Eastman, thừa hành Phó Chủ tịch Hội đồng Trường (phụ trách Đào tạo nghề), Phó Giám đốc Đại học RMIT cho biết: Đại học RMIT vui mừng khi được hợp tác với Tập đoàn Sao Đỏ, Hiệp hội Logistics Hải Phòng và các doanh nghiệp nhằm đưa ra chương trình đào tạo này. Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chuẩn bị cho các doanh nghiệp trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0. Điều này cũng khẳng định cam kết của Đại học RMIT trong việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng".

Chú thích ảnh
Bà Mish Eastman, thừa hành Phó Chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Đào tạo nghề), Phó giám đốc Đại học RMIT trao Giấy chứng nhận khóa học cho học viên. 

Trong bối cảnh nền kinh tế thay đổi nhanh chóng như hiện nay, việc tái đào tạo và nâng cao trình độ liên tục đóng vai trò quan trọng để nguồn nhân lực đuổi kịp với thay đổi, Đại học RMIT sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và doanh nghiệp, tiếp tục tập trung cung cấp chương trình giáo dục và gắn kết phù hợp với hiện tại và tương lai.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương chia sẻ, là trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc nhưng Hải Phòng đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Theo số liệu công bố trong Sách Trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), đến năm 2025, Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; năm 2030 con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo.

Thực tế, tại Hải Phòng, chỉ có Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành Logistics với năng lực khoảng 300 sinh viên/năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành gần như Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thủy, Kinh tế Ngoại thương… Theo đó, chương trình nhằm mang lại kiến thức chuyên sâu và thực tiễn nhất để cải thiện hiệu suất làm việc và nâng cao nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tại thành phố Hải Phòng, giúp thành phố hướng đến việc xây dựng và phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia vào năm 2025.

Anh Bùi Thanh Bình, đến từ T&M Forwarding Chi nhánh Hải Phòng, đại diện cho lớp học chia sẻ, lớp học rất bổ ích và thú vị gồm 2 module: Giao tiếp tạo ảnh hưởng và Quảng lý ngân sách và lập kế hoạch tài chính không chỉ cung cấp những kiến thức theo tiêu chuẩn quốc tế đến từ các giảng viên của Đại học RMIT trực tiếp giảng dạy mà còn trang bị cho các học viên những kỹ năng mềm, những phương pháp học tập và giảng dạy mới học đi liền với thực hành và đặc biệt là nội dung kiến thức bám sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp giúp học viên dễ hiểu, sau khi kết thúc khóa học có thể vận dụng ngay vào công việc của doanh nghiệp. 

Chú thích ảnh
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng phát biểu. 

Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng Bùi Ngọc Hải cho rằng, Hải Phòng là thành phố Cảng và công nghiệp, vì vậy nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các Khu kinh tế, Khu công nghiệp là rất lớn. Đây là lớp thí điểm đầu tiên được tổ chức, hy vọng rằng Đại học RMIT tiếp tục nghiên cứu và tổ chức nhiều hơn nữa các khoá học tương tự và chuyên sâu hơn nữa, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp. 

Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đang nỗ lực nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc kết nối giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp đầu tư trong nước (DDI) với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố nhằm tăng cường hiểu biết, mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp tuyển dụng.

Tin, ảnh: Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Đào tạo lao động có kỹ năng cho cách mạng công nghiệp 4.0 và tái cấu trúc nền kinh tế
Đào tạo lao động có kỹ năng cho cách mạng công nghiệp 4.0 và tái cấu trúc nền kinh tế

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước sức ép của số hóa và toàn cầu hóa, cùng với những tác động của đại dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động, việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN