Ghi nhận nhiều tấm gương các thầy, cô giáo đã ngày đêm âm thầm, lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ hy sinh vì sự nghiệp trồng người cao quý, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Hà Nội luôn được đổi mới, phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Bằng sự quan tâm sâu sát và toàn diện của thành phố, ngành Giáo dục và Đào tạo càng có điều kiện phát triển mạnh về mọi mặt. Quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển mạnh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô còn có những khó khăn, tồn tại nhất định, cần nghiêm túc đánh giá và sớm khắc phục như: số lượng trường học nhiều nhưng công tác quy hoạch mạng lưới chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp học cục bộ ở một số địa bàn, một số trường có sĩ số học sinh/lớp cao; khu vực nội thành còn khó khăn về diện tích đất không đủ tiêu chuẩn đạt trường chuẩn quốc gia…
Năm học 2017 - 2018 vừa qua kết thúc vào đúng thời điểm Hà Nội kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội và chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố được mở rộng và không ngừng phát triển. Tính đến đầu năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh mầm non và phổ thông. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố hiện tại là 52%, trong đó trường công lập đạt 62%; tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn là 78%.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng mũi nhọn có nhiều tiến bộ, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong thành phố ngày càng thu hẹp. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ được quan tâm, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thường xuyên được bổ sung đủ về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng.
Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 12 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2017 - 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Dịp này, 61 đơn vị tiêu biểu các cấp học và Phòng Giáo dục và Đào tạo đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội tặng cờ Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua trong năm học 2017 - 2018; 17 tập thể, cá nhân vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; 17 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 364 tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 108 tập thể, 149 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội; 62 tập thể và 99 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo…