Tại Hà Nội có 7 trường THCS đào tạo “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài tại Hà Nội". Cụ thể, Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Chu Văn An, THCS Cầu Giấy, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Nghĩa Tân, THCS Thanh Xuân.
Theo công văn mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội thì chỉ tiêu tuyển sinh cấp 3 Chương trình song bằng chỉ khoảng 100 học sinh ở hai trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (mỗi trường hai lớp).
Phản ánh lại thông tin này, phụ huynh N.T.C.T (có con học song bằng tú tài) cho biết: Chỉ tiêu này thấp so với nguyện vọng đăng ký thi vào chương trình song bằng cấp THPT của thí sinh. Thực tế, số lượng thí sinh học song bằng ở 7 trường THCS là 350 học sinh. Trong khi chỉ tiêu vào cấp III chỉ 100 học sinh. Quyết định không tăng chỉ tiêu của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra quá muộn (10/6) khiến học sinh không có lựa chọn khác.
Đáp lại những ý kiến trên, ông Lê Hồng Vũ, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định lại với phụ huynh, đề án cho bậc THCS để lấy chứng chỉ IGCSE, đề án cho bậc THPT để lấy chứng chỉ A-level, hai đề án này hoàn toàn độc lập.
Theo ông Lê Hồng Vũ, từ năm học 2020 - 2021 không tuyển mới học sinh hệ song bằng lớp 6 bậc THCS. Đề án song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc của trường THPT Chu Văn An mới nhận được quyết định kéo dài đề án.
Trong khi đó, đề án trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vẫn tiếp tục triển khai để hai đề án kết thúc giai đoạn vào cùng thời điểm của năm học 2022 – 2023.
Điều phụ huynh mong muốn nhất hiện nay là con học hệ song bằng được học tiếp ở bậc THPT. Điều đó đồng nghĩa với việc Sở GD&ĐT phải mở rộng chỉ tiêu so với thực tế hiện nay.
Theo chị H.T (có con học hệ song bằng tú tài Trường THCS Trưng Vương) thì thời gian qua, nhiều học sinh tham gia thi của chương trình IGCSE dự kiến sẽ học tiếp chương trình A-level. Nếu dừng lại sẽ không có cơ sở để đánh giá. Mặt khác những trường mà Sở GD&ĐT thông báo học sinh có thể học hệ song bằng là trường ngoài công lập có học phí cao hơn so với trường công lập. Do đó, phụ huynh sẵn sàng đóng góp, xã hội hóa cơ sở vật chất để các con có thể được tiếp tục theo học ở trường công. Chưa kể, đến thời điểm này, nhiều trường ngoài công lập đã tuyển sinh xong, học sinh không còn nhiều cơ hội.
Trước những ý kiến này, ông Lê Hồng Chung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, Sở GD&ĐT chia sẻ với nguyện vọng của phụ huynh. Tuy nhiên, thông báo của UBND thành phố có nêu về việc mở rộng chỉ tiêu, nhưng phải dựa trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, Sở GD&ĐT Hà Nội không thể quyết định được. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ xin được chủ trương kéo dài thêm đề án ở Trường THPT Chu Văn An.
Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đang chỉ đạo các nhà trường sơ kết, tổng kết đề án và xây dựng đề án cho giai đoạn tiếp theo.
Ông Lê Hồng Chung cho biết, tất cả những ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh sẽ được báo cáo lên lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và sẽ phản hồi lại sau ngày 20/6.