Giúp hoc sinh cảm thụ âm nhạc 'không biên giới'

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới) định hướng Âm nhạc là môn học để bồi dưỡng đời sống tinh thần, góp phần cân bằng trạng thái tâm, sinh lý; là môn học giúp học sinh học tốt các môn học khác.Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trò chuyện cùng với TS. Đỗ Thị Minh Chính, Tổng Chủ biên Sách giáo khoa Âm nhạc 5 – Bộ Kết nối Tri thức với Cuộc sống, xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Một giờ học âm nhạc của học sinh lớp 5A2 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nong U xã Nong U huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên. Ảnh: NVCC

Sách giáo khoa Âm nhạc theo Chương trình mới đã trải qua những chặng đường như thế nào để có những bước hoàn thiện như hôm nay, thưa bà?  

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có rất nhiều thách thức với những người làm sách giáo khoa. Chương trình mới thay đổi hẳn quan điểm tiếp cận về dạy và học, yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, cập nhật giáo dục âm nhạc của khu vực và thế giới. Chính sự thay đổi này sẽ kéo theo những thay đổi về việc đào tạo đội ngũ giáo viên để đáp ứng Chương trình mới. Đội ngũ giáo viên mới vẫn tiếp cận được Chương trình, nhưng với những giáo viên đã ra trường lâu năm, thì rất cần được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tập huấn chuyên sâu để họ nắm được phương pháp, cũng như triển khai được dạy học theo sách giáo khoa (SGK) mới.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam có rất nhiều vùng miền và giữa các vùng có sự chênh lệch về khả năng cảm thụ âm nhạc, cũng như điều kiện dạy học. Vì vậy, khi triển khai Chương trình mới ở bộ môn Âm nhạc, yêu cầu đặt ra là tác giả biên soạn phải cập nhật được quan điểm, kỹ thuật dạy học tiên tiến về giáo dục âm nhạc phổ thông, đồng thời vẫn phải phù hợp với đặc điểm từng vùng miền.

Đứng trước bài toán này, chúng tôi đã triển khai tìm hiểu Chương trình SGK âm nhạc của các nước tiên tiến như: Singapore, Australia, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp.

Trên cơ sở những kinh nghiệm thu được, chúng tôi đã phát triển SGK hiện hành với những cấu trúc trong cuốn sách mới, đáp ứng yêu cầu dạy học, phát triển năng lực, phù hợp với các điều kiện và khả năng thực tiễn về dạy và học ở Việt Nam.

Để đạt được kết quả này, cũng có nhiều yếu tố. Trước hết, sự đa dạng của đội ngũ biên soạn SGK Âm nhạc là yếu tố rất quan trọng. Đây là những nhân tố mong muốn đổi mới để góp phần vào sự phát triển của giáo dục phổ thông Việt Nam.

Niềm đam mê về về nghề nghiệp đã giúp chúng tôi thiết kế, biên soạn những cuốn sách vừa cập nhật, vừa phù hợp để nâng cao giáo dục âm nhạc đại trà ở bậc phổ thông. Mục đích cuối cùng là nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức về âm nhạc, giúp các thế hệ học sinh của Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu, tự tin giao lưu với bạn bè quốc tế.

Động lực lớn nhất giúp chúng tôi “vượt khó” để biên soạn được bộ sách chính là niềm yêu thích của học sinh với môn Âm nhạc, đặc biệt là học sinh Tiểu học. Niềm yêu thích ấy ngời lên trong ánh mắt, nụ cười của các em khi đến giờ Âm nhạc, với mong muốn được học các bài hát thông qua các trò chơi.

Chú thích ảnh
TS. Đỗ Thị Minh Chính, Tổng Chủ biên Sách giáo khoa Âm nhạc 5 – Bộ Kết nối Tri thức với Cuộc sống. Ảnh: HT

Thưa bà, sự khác biệt lớn nhất giữa SGK Âm nhạc theo Chương trình mới với Chương trình cũ là gì?

Sự khác biệt đầu tiên là với SGK cũ, việc biên soạn sách theo các tiết dạy và tiết học. Giữa các tiết học có liên kết với nhau về nội dung, nhưng vẫn độc lập tương đối. Còn SGK Âm nhạc theo Chương trình mới được biên soạn theo chủ đề bài học. Mỗi bài học là một đơn vị kiến thức nhỏ, nhưng giữa các bài học lại có sự kết nối của các mạch nội dung, để tạo thành chủ đề chung. Sự khác biệt tiếp theo là mục tiêu, yêu cầu của chương trình.

Với Chương trình cũ, học sinh chỉ cần tiếp cận nội dung, thực hành được bài hát, múa, nhạc cụ. Quá trình kiểm tra, học sinh chỉ cần ghi nhớ, tái hiện lại những kiến thức, kỹ năng này. Nhưng với Chương trình mới, là bài học theo chủ đề. Học sinh đi sâu vào việc trả lời các câu hỏi về việc sẽ được gì sau khi học xong?

Nghĩa là việc học đi đôi với thực hành, vận dụng được kiến thức đã học để giải quyết nhiệm vụ của bài học, đặc biệt là gắn vào với các tình huống, nhiệm vụ cụ thể trong cuộc sống. Đây được xem là triết lý bộ sách.

Có thể nói, với chương trình cũ, nếu học sinh không có kỹ năng vẫn có thể thuộc được bài hát. Nhưng với chương trình mới, các em không những thuộc bài hát, mà còn biết vận dụng kiến thức, hiểu biết về âm nhạc, văn hóa, không chỉ của Việt Nam mà cả của quốc tế, vào thực tế đời sống... Qua đó, trang bị cho các em hành trang văn hóa để ra đời sau này.

Trong những năm qua, hiệu ứng từ phía học sinh, nhà trường đã có tác động tích cực như thế nào đến quá trình biên soạn sách? Và là động lực để giúp đội ngũ làm sách ngày một hoàn thiện hơn, thưa bà?

Môn âm nhạc là để bồi dưỡng đời sống tinh thần, cân bằng trạng thái tâm sinh lý, giúp học sinh học tốt các môn khác. Chính vì vậy, mong muốn của phụ huynh là giờ học âm nhạc sẽ đem đến cho các con sự thoải mái, hứng thú và giúp các con giải phóng năng lượng. Từ những điều đó, chúng tôi cố gắng biên soạn SGK phù hợp. Sách cũng đã nhận được phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, giáo viên.

Trong một lần lên Lào Cai để thực nghiệm sách giáo khoa Âm nhạc lớp 3 với chủ đề Tết. Một học sinh nam là người dân tộc đã đề nghị cô giáo khi muốn thể hiện bài hát về Tết theo cách của mình, mặc dù cô giáo đã chuyển sang nội dung khác. Hay một lần đi dạy nhạc cụ ở Ninh Bình, tôi thấy, học sinh đều rất hào hứng muốn lên để thổi sáo bài hát yêu thích. 

Cách dạy theo chương trình mới đáp ứng nhu cầu muốn thực hành, ưa vận động của các con. Cùng với đó là phương pháp linh hoạt mang đến cho các con món ăn tinh thần mới.

Những năm đầu triển khai Chương trình mới, cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn online, giáo viên đã dần tiếp cận được với học liệu và phương pháp giảng dạy mới. NXBGDVN đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng nguồn tài liệu, dữ liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, gồm: Phiên bản điện tử SGK, sách giáo viên; tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK; video giới thiệu SGK... Tất cả các tài liệu, dữ liệu này đều được đăng tải miễn phí trên website taphuan.nxbgd.vn, để cán bộ quản lý, giáo viên có thể chủ động tìm hiểu, nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Sách giáo khoa âm nhạc 5 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: HT

Bắt đầu từ ngày 3/6/2024, NXBGDVN cũng đã triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 5,9,12 cho cán bộ quản lý và giáo viên các địa phương. Đến nay, đã hoàn thành tập huấn cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục của lớp 5,9,12 tại 63 tỉnh/thành phố, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Cụ thể, đã thực hiện 10 đợt tập huấn online (mỗi đợt 5 - 6 ngày/ tuần) với tổng số 725 lớp bồi dưỡng. Cùng với việc thực hiện tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến, NXBGDVN cũng tổ chức nhiều các lớp tập huấn trực tiếp theo kế hoạch riêng của từng tỉnh/thành phố. Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên vẫn được tiếp tục triển khai trong suốt cả năm học, khi có yêu cầu từ các địa phương.

Với môn học Âm nhạc, chúng tôi đã xây dựng nguồn học liệu phong phú bám sát các chủ đề của sách như các file mp3 bài hát mẫu, các file beat hỗ trợ cho việc học hát, lý thuyết âm nhạc, đọc nhạc, các file mp4 hỗ trợ hoạt động trình diễn các bài hát hay các video clip animation... để hỗ trợ học sinh trong việc tìm hiểu và chia sẻ về nội dung thường thức âm nhạc. Các học liệu này đã được số hóa, đăng tải trên các trang: Hành trang số (hanhtrangso.nxbgd.vn), Tập huấn (taphuan.nxbgd. vn) của NXBGDVN để tiếp cận với quá trình chuyển đổi số. 

Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn học liệu cần có sự kết hợp với các phương pháp dạy học của bộ môn một cách hợp lí, linh hoạt và sáng tạo trong từng hoạt động, bài học để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình dạy - học môn âm nhạc. 

Xin trân trọng cảm ơn bà! 

Lê Vân thực hiện/Báo Tin tức
Giá sách giáo khoa mới và những vấn đề đặt ra
Giá sách giáo khoa mới và những vấn đề đặt ra

Định giá sách giáo khoa mới, giảm giá sách giáo khoa... là những vấn đề đặt ra khi năm học 2024 triển khai theo chương trình mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN