Với những diễn biến của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học. Cụ thể, năm học 2019 - 2020 sẽ kết thúc vào ngày 30/6; kỳ thi THPT quốc gia năm học 2019 - 2020 sẽ tổ chức vào các ngày từ 23 - 26/7/2020.
Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), để chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra trong các ngày thi, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, để có phương án phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, ngành giao thông... ; đồng thời, có phương án dự phòng trong trường hợp thay đổi địa điểm tổ chức thi và cư trú an toàn trong thời gian thi.
Cùng với ban hành quy chế, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất cả cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Một số điều chỉnh cụ thể sẽ được quy định trong quy chế thi sắp ban hành và sẽ có hướng dẫn chi tiết. Các điều chỉnh này chỉ liên quan đến cán bộ, giáo viên làm công tác thi, không ảnh hưởng đến thí sinh.
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 vẫn được giữ như năm 2019, tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật để ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020, nhằm tránh tình trạng gian lận, tiêu cực, đảm bảo kỳ thi công bằng, khách quan.
Trước đó, những điểm thay đổi nổi bật trong dự thảo quy chế thi THPT quốc gia là: Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24/24 giờ, đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ; Thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi môn đó và theo chỉ đạo của trưởng ban chấm thi; Mỗi bài thi chấm kiểm tra được chấm bởi 1 cán bộ chấm kiểm tra theo quy trình chấm lần chấm thứ nhất quy định tại Điều 25 của Quy chế.