Gieo chữ trên vùng đất khó Nghệ An

Thung Khạng được xem là bản xa nhất, đường đi lại khó khăn nhất của huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), bởi vậy hành trang mang theo của những giáo viên nơi đây khi đến lớp là tấm lòng, sự nhiệt huyết vì con trẻ và đôi ủng.


Bản Thung Khạng nằm cách thị trấn huyện Quỳ Châu tới 50 km. Chúng tôi vào Thung Khạng vừa đúng gặp trời mưa, thế nên con đường vốn đã khó lại càng khó hơn. Phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi xe máy, rồi dắt bộ, vượt qua nhiều đoạn đường gồ ghề, lầy lội, rồi ổ voi, rồi xác cây keo, đá bùn lổn nhổn mới có thể đến được với Thung Khạng.

Thung Khạng có gần 70 hộ sinh sống, chủ yếu là dân tộc Thái. Nơi đây được biết đến là bản “3 không”: Không chợ, không điện, không nước sạch. Điểm trường Thung Khạng là một trong bốn điểm trường lẻ của trường Tiểu học Châu Bình. Đập vào mắt chúng tôi là hai dãy nhà nhỏ nằm chênh vênh trên đồi, với 5 phòng học dành cho 5 lớp tiểu học. Đến điểm trường Thung Khạng vào cuối giờ học buổi sáng, lớp đông thì có 24 em, lớp ít thì có 14 em, được biết năm học 2015 - 2016 điểm trường này có 113 em đi học. Các cô giáo đang bắt tay từng em tập viết, rửa mặt cho những em vệ sinh chưa sạch, nhẹ nhàng giúp đỡ, nhắc nhở các em. Ngoài việc dạy học, các cô giáo còn phải quan tâm chăm sóc các em những việc nhỏ như bọc sách vở, cắt móng chân, móng tay, vá quần áo cho các em để bố mẹ các em yên tâm đi nương, rẫy. Rồi mỗi tối thứ 6 hàng tuần, các giáo viên lại đến từng nhà trong bản để thông báo việc học của các em, vận động gia đình tiếp tục cho đến lớp, không bỏ học giữa chừng.

Nắn nót từng nét chữ cho học trò.

Em Vi Văn Hoàng, học sinh lớp 5 chia sẻ: “Nhà có hai mẹ con, mẹ lại bị tật một chân, đi lại khó khăn, nay mẹ lại sinh thêm em bé nữa, nên nhiều khi em phải nghỉ học để ở nhà đỡ đần cho mẹ và em nhỏ. Nhờ có các cô giáo thường xuyên đến động viên gia đình tạo điều kiện cho em đi học chữ. Đến lớp em vừa học chữ, vừa được gặp bạn bè nên vui lắm”.

Bởi chưa có điện, ban ngày các cô giáo nơi đây phải tranh thủ soạn giáo án, nhận xét bài vở cho học sinh. Dãy nhà ngang phía sau phòng học là hai gian phòng dành cho nơi ở của các cô giáo và học sinh, và gian bếp - nơi mà những túi cá khô, mì tôm, lạc, vừng... được treo lủng lẳng, đó là thức ăn dự trữ, là lương khô mà các cô mang từ ngoài thị trấn vào.

Tạo không khí vui vẻ trong giờ học.

Từng có 6 năm dạy ở Thung Khạng và 30 năm công tác ở vùng khó, cô giáo Hà Thị Tuyết quý nhất là các em ở đây hiền lành, chăm chỉ, ngoan, đi học chuyên cần vượt khó. Ở bản không có điện, thiếu nước sinh hoạt, nhiều khi nhớ nhà, nhớ con chỉ biết vùi đầu trong chăn mà khóc. Sự hồn nhiên của các em học sinh, sự quý mến chân thành của người dân nơi đây đã giúp chị có thêm nghị lực để bước tiếp. “Khi đã yêu nghề, mến học trò thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua thôi. Cứ mỗi năm học mới bắt đầu là nhiều giáo viên chủ nhiệm nơi đây đều ra thị trấn mua sách vở cho cả lớp rồi bọc, dán nhãn cẩn thận cho từng học sinh trong lớp”, cô giáo Tuyết bộc bạch.

“Chúng tôi phải tạo môi trường học tập thân thiện, gần gũi để khuyến khích các em ra lớp, không bỏ học. Để duy trì học 2 buổi/ngày đã rất khó khăn, nhưng thầy cô giáo của trường vẫn cố gắng bám lớp, bám trường để tổ chức dạy học 35 buổi/tuần để nâng cao chất lượng cho học sinh. Cùng với bốn điểm trường khác, điểm trường Thung Khạng cũng tổ chức dạy tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ cho học sinh. Các phong trào thi đua vở sạch chữ đẹp, dạy tốt học tốt đều được giáo viên và học sinh hưởng ứng sôi nổi”, cô giáo Nguyễn Thị Thái, Hiệu trưởng trường Châu Bình cho biết.

Cảm động hơn, mỗi cán bộ giáo viên đăng ký một đến hai địa chỉ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ, cưu mang như mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo mới vào dịp Tết, áo ấm vào mùa đông nhằm sưởi ấm, động viên khích lệ những học sinh vượt qua số phận, hoàn cảnh vươn lên trong học tập.

Với tấm lòng cao cả của người thầy, nhiều giáo viên đã không quản vất vả hi sinh thời gian của mình bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu vào 30 phút cuối mỗi ngày học, vào ngày thứ bảy, chủ nhật mà không thu một đồng tiền công nào. Hơn thế nữa, còn có những giáo viên mang trò về nhà nuôi và dạy phụ đạo những ngày nghỉ.

Không phụ lòng cô thầy, kết quả mà các em học sinh đáp trả là những giờ học chuyên cần, không còn hiện tượng học sinh vắng học kể cả trời mưa gió. Trong những năm gần đây, chất lượng đại trà được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu kiểm định đánh giá đứng vào tốp đầu 4 trường của huyện. Chất lượng đại trà của điểm trường lẻ và trường chính gần tương đương nhau, khoảng cách chỉ là chất lượng mũi nhọn.

Mỗi lần về nhà, bất kể ngày mưa hay nắng, hành trang mà các cô giáo mang theo là đôi ủng. “Nhìn thế thôi chứ đôi ủng này đã giúp cho đôi chân các cô luôn vững chắc, bám chặt vào bùn lầy vào mùa mưa hay sỏi đá bỏng rát vào mùa hè. Không những các cô giáo mà người dân Thung Khạng luôn mong có được con đường để việc đi lại đỡ vất vả hơn, rút ngắn khoảng cách từ bản ra thị trấn. Trời nắng còn đỡ, chứ trời mưa, có những hôm giáo viên phải đi bộ từ 4 giờ sáng, vượt quãng đường bùn lầy trơn trượt để đến với các em”, cô giáo Vi Thị Minh cho biết.

Bài và ảnh: Bích Huệ
Nhọc nhằn “gieo chữ” ở vùng cao Quảng Nam
Nhọc nhằn “gieo chữ” ở vùng cao Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trải dài trên một diện tích rộng lớn, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học đến lớp, ngay ở các thôn bản đã xây dựng điểm trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN