Vừa qua, Hà Nội triển khai 2 kỳ thi quan trọng là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trong công tác tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia, Sở đã chỉ đạo thực hiện theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định chung của toàn ngành.
Tuy nhiên, trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 còn xảy ra một số vụ việc khiến dư luận bức xúc. Tiêu biểu là trường hợp Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu. Trường này hoàn toàn tự chủ trong công tác tuyển sinh nhưng quá trình công bố điểm tuyển sinh, trường liên tục thay đổi điểm chuẩn trong thời gian ngắn. Theo đó, điểm trúng tuyển được trường công bố vào sáng 30/6 là 46 điểm nhưng đến chiều cùng ngày tăng 3 điểm lên 49 điểm và đến sáng 1/7, trường tiếp tục ra thông báo nhận thêm 10 hồ sơ dành cho học sinh đạt điểm thi vào lớp 10 từ 50,5 điểm trở lên, thời gian nhận hồ sơ từ 8-11 giờ.
Xác định việc thay đổi điểm chuẩn liên tục trong thời gian ngắn như vậy cùng thông tin trường sẽ không trả lại “phí giữ chỗ” khi nộp hồ sơ vào lớp 10 trước đó là sai nguyên tắc, gây bức xúc, mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn yêu cầu Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc tổ chức tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi và trả phí ghi danh cho học sinh, cha mẹ học sinh.
Ngoài ra còn một số phụ huynh bức xúc liên quan đến các khoản phí xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh. Phụ huynh nộp hồ sơ vào trường phải nộp một khoản tiền phí và lệ phí khá lớn. Trường cam kết sẽ cho thí sinh rút hồ sơ nhưng một phần kinh phí nhập học sẽ chuyển vào Quỹ khuyến học nhà trường, không trả lại.
Với trường hợp này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã bố trí đoàn công tác xuống làm việc trực tiếp tại trường, yêu cầu nhà trường rà soát, rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc tổ chức tuyển sinh năm học 2018-2019. Bên cạnh đó, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp trong cách thức tổ chức tuyển sinh, hoàn trả toàn bộ khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ, không gây khó khăn cho phụ huynh học sinh, tránh tạo dư luận xấu trong xã hội.
Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017
Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội thay mặt UBND thành phố công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của 22 sở, cơ quan ngang sở và 30 UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố.
Theo đó, đạt chỉ số cải cách hành chính cao là các Sở Tài chính (89,87 điểm), Sở Nội vụ (88,64 điểm), Sở Thông tin và Truyền thông (88,23 điểm)… Một số sở, cơ quan ngang sở có chỉ số cải cách hành chính dưới 80 điểm là Sở Y tế (71,62 điểm), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (70,43 điểm), Ban Dân tộc (64,94 điểm).
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ số cải cách hành chính khá cao, tiêu biểu như UBND quận Nam Từ Liêm (90,35 điểm), UBND quận Bắc Từ Liêm (89,61 điểm), UBND quận Long Biên (89,25 điểm). Các quận, huyện, thị xã ở khu vực ngoại thành có chỉ số cải cách hành chính thấp hơn như UBND huyện Ứng Hòa (77,34 điểm), UBND huyện Mê Linh (75,62 điểm)…
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2018, công tác cải cách hành chính của thành phố đạt được một số kết quả nổi bật. UBND thành phố đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 5 văn bản liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp; công bố 47 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND thành phố Hà Nội ban hành đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần, qua đó giúp đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình triển khai thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố đã đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính, trong đó có 18 thủ tục tại Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, 12 thủ tục thuộc lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội, 11 thủ tục thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo…
Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Hà Nội tiếp tục đổi mới sắp xếp ở tất cả các ngành, các cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố đã phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế đợt 1 đối với 96 công chức, viên chức và lao động hợp đồng tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định 57 người thuộc danh sách đối tượng tinh giản biên chế đợt 2 năm 2018.
Đặc biệt, thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; tất cả 584 xã, phường, thị trấn đã được kết nối mạng diện rộng, đảm bảo trang thiết bị công nghệ thông tin để triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, Hà Nội đã triển khai 337 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị, trong tháng 7 và những tháng tiếp theo, Sở Nội vụ tiếp tục kiểm tra công tác thi hành công vụ, triển khai các lớp bồi dưỡng cho lãnh đạo phường, xã, ưu tiên cán bộ trẻ; tiếp tục rà soát, sắp xếp vị trí việc làm...
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ cùng Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp giám sát việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp; tổ chức sắp xếp lại các ban chỉ đạo theo hướng tinh gọn, hiệu quả.