Cảm kích, chúng tôi đề nghị được gặp và được Trưởng phòng Kiên đồng ý đưa xuống tận trường Chung Chải. Sau cái bắt tay chặt tôi mới được giới thiệu đó là Hiệu trưởng Phạm Văn Khiêm. Khác xa với tưởng tượng của tôi về những thầy hiệu trưởng đã từng gặp, thầy Khiêm có dáng cao gầy, trông hơi “nông dân”, nhưng đôi mắt khá hóm hỉnh, ẩn chứa đằng sau nó là vẻ nghiêm nghị, quyết đoán.
Hết lòng vì học trò thân yêuKhi được hỏi về việc làm thế nào để có đủ sách giáo khoa, vở viết và đồ dùng học tập cho học sinh đầu năm học 2015 - 2016, khi Nghị định 74 hết hiệu lực, thầy Khiêm cười khiêm tốn: “Có gì đâu anh, đó là trách nhiệm của của mỗi thầy cô giáo mà”. Dần dà, trong câu chuyện với thầy Khiêm, chúng tôi được biết, đoán chắc đầu năm học mới học sinh sẽ thiếu sách, vở và đồ dùng học tập khi không còn được hỗ trợ nữa, nên thầy Khiêm đã kêu gọi trên trang fecbook cá nhân, cũng như bằng mối quan hệ của mình để mọi người biết và giúp đỡ. “Mới đầu tôi cũng không nghĩ kết quả lại hơn cả mong đợi như vậy.
Hiệu trưởng Phạm Văn Khiêm. |
Sau khi đăng tải thông tin, tôi đã nhận được khá nhiều cuộc điện thoại của các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội, cơ quan, bạn bè tìm hiểu và hứa ủng hộ. Kết quả, chỉ trong tháng đầu tiên của năm học mới, trường đã nhận được hơn 200 bộ sách giáo khoa, gần 35 triệu đồng và nhiều đồ dùng học tập khác của báo Tin Tức, báo Nông thôn ngày nay và một bác đã về hưu ở Quảng Ninh gửi. Bên cạnh đó, trường đã lên kế hoạch, tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương tu sửa và xây dựng được 8 phòng học nhà tạm ở điểm bản. Hằng năm, vận động mỗi phụ huynh đóng góp 3 ngày công lao động tu sửa hàng rào, trồng cây bóng mát. Phát động phong trào công tác xây dựng quỹ khuyến học để khuyến khích học sinh nghèo vượt khó. Đến nay, 100% học sinh của trường đã có đầy đủ sách giáo khoa, vở viết, đảm bảo chất lượng dạy và học. Cũng nhờ đó, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100%; tỷ lệ chuyên cần đạt trên 99%,” thầy Khiêm cho biết.
Trường THBT Chung Chải hiện có 73 cán bộ, giáo viên phụ trách giảng dạy ở 1 điểm trường chính và 8 điểm trường đặt tại 8 thôn, bản khác nhau ở xã Chung Chải. Là xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào Mông và Hà Nhì sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, hạ tầng chưa phát triển, nên việc đi lại giảng dạy của giáo viên cũng rất vất vả. Ấy vậy mà đều đặn, mỗi tuần thầy Khiêm đều lần lượt đi kiểm tra quy chế giảng dạy và học tập ở tất cả các điểm trường. Không những vậy, thầy Khiêm còn lưu hàng trăm số điện thoại của trưởng thôn, bản, già làng, người có uy tín và phụ huynh học sinh để có việc gì là liên hệ được ngay. Đây cũng là “tai, mắt” của thầy Khiêm để quản lý giáo dục được tốt hơn. “Có lần tôi đang đi kiểm tra ở điểm trường Nậm Sin, thì nhận được điện thoại của phụ huynh học sinh ở điểm trường Pá Lùng báo là đến giờ học, nhưng vẫn thấy học sinh chơi ở ngoài sân. Mặc dù biết đó là tiết học sinh hoạt ngoài trời, nhưng tôi vẫn vượt hơn 5 km đến gặp trực tiếp phụ huynh để giải thích. Như vậy, lần sau có việc họ mới tin tưởng và thông báo với mình”, thầy Khiêm kể. Nhờ cách quản lý nhân sự cũng như chuyên môn khoa học, nhiều năm liền Trường THBT Chung Chải không có giáo viên nào vi phạm kỷ luật cũng như đạo đức nghề nghiệp; tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp luôn đạt trên 30%.
Quê hương thứ haiNăm 1999, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, về quê được ít ngày, tạm biệt mảnh đất vải thiều Hải Dương, chàng thanh niên Phạm Văn Khiêm quyết định lên Tây Bắc lập nghiệp. Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Lai Châu lịch sử, nơi có địa danh Điện Biên Phủ anh hùng, cảm giác của thầy giáo trẻ vui buồn xen lẫn cảm giác lạ lẫm với con người, cảnh vật huyện nghèo Mường Tè. Nhớ lại ngày đó, thầy Khiêm tâm sự: “Từ miền xuôi lên miền ngược, ngôi trường đầu tiên tôi đặt chân đến chính là điểm trường chính Chung Chải, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu này, nay là huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Với địa hình khá phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trường có 8 bản với 8 điểm trường, nhiều điểm trường cách xa trung tâm đến 20 km đường rừng. Trong khi đó, trường lại chưa có đến 10 giáo viên, số qua trường lớp chỉ vài ba người, còn lại là người biết chữ dạy người chưa biết chữ.
Nhờ công tác dân vận tốt của Nhà trường, phụ huynh học sinh tự nguyện góp gỗ để xây dựng trường. |
Cơ sở vật chất hầu như là con số không, lớp học chỉ là những lều lán căng tạm. Do thiếu giáo viên, nên mỗi người phải dạy 3 - 4 lớp cùng lúc. Ngày đó, tôi còn chưa biết tiếng Mông, nên cũng khá chật vật khi giảng dạy. Thế rồi, tôi quyết định học tiếng của đồng bào bằng cách học từ chính học sinh của mình. Lúc rảnh rỗi, đến nhà trưởng thôn, bản nói chuyện và nhờ họ dạy cho. Nhờ biết tiếng, nên việc dạy đã hiệu quả hơn bằng cách dạy “song ngữ”. Cái gì giải thích bằng tiếng phổ thông học sinh không hiểu thì giải thích bằng tiếng nói của các em. Và cũng chính nhờ học được tiếng Mông, nên thầy và trò hiểu và gần gũi nhau hơn, việc vận động con, em đồng bào đến trường, đi học đầy đủ cũng dễ dàng hơn”.
Sau 8 năm gắn bó với mái trường, giáo án, nắn nót từng nét chữ cho những học trò nhỏ, năm 2007, thầy Phạm Văn Khiêm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THBT Chung Chải. Chưa làm quản lý bao giờ, nên thời gian đầu tân hiệu trưởng còn lúng túng, nhưng rồi nhờ tinh thần cầu thị, ham học hỏi, mọi việc cũng đã trôi chảy. Mọi hoạt động của trường cả về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như quản lý nhân sự được hiệu trưởng xử lý một cách khoa học trên tinh thần phát huy dân chủ, nên đã phát huy được sức sáng tạo của tập thể cán bộ, giáo viên toàn trường. Sức mạnh tập thể được thể hiện rõ khi năm 2013, trường tổ chức bán trú cho học sinh. Năm đó thầy Khiêm không được về quê ngày nào, tình nguyện ở lại trường để tham gia làm nhà ở cho học sinh. Chỗ ăn, ở đã tạm ổn, lại phải lo tổ chức nấu nướng cho hàng trăm em thế nào trong khi chưa có kinh phí để thuê người. Thế là phương án được thầy Khiêm đưa ra là thầy cô trống tiết ngày nào thì đi chợ nấu ăn ngày đó; trên tinh thần tự nguyện, các em lớn học lớp 5 cuối buổi học sẽ tham gia chia cơm cùng thầy cô. Sáng kiến này đã được tập thể trường ủng hộ và các em học sinh nhiệt tình tham gia, nhờ đó cái khó bán trú ở một trường cơ sở vật chất còn thiếu thốn được giải quyết.
“Thấm thoắt đã hơn 16 năm gắn bó với ngôi trường, bao thế hệ học sinh đã rời trường. Có em đang học ở cấp cao hơn, có em giờ đã làm cán bộ, là đồng nghiệp, nhưng vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm; ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Chung Chải nay đã trở thành quê hương thứ hai của tôi rồi, mỗi hè, về quê vài ngày lại thấy nhớ, thế là cả gia đình lại dắt díu nhau lên”, nói thế, mặt thầy Khiêm rạng ngời khi nhi học trò trong trang phục dân tộc truyền thống chơi đùa ngoài sân trường.