Khi con gái tôi học lớp 4 trong một trường tiểu học ở Berlin, một hôm, cháu vui mừng đem về cho tôi xem "Bằng biết bơi" và "Bằng lái xe đạp", trong đó xác nhận cháu đã học ở trường và biết bơi cũng như đã vượt qua kỳ thi về luật cũng như khả năng đi xe đạp, tôi rất bất ngờ và nói đùa với cháu: "Thế là con hơn bố rồi, bố làm gì có bằng biết bơi và bằng lái xe đạp".
Ngay từ khi còn ở nhà trẻ, các cô cũng hay đưa các cháu đi chơi, đi thăm các trang trại nông dân (Bauernhof) để các cháu làm quen với thiên nhiên, gia súc, gia cầm, cây cối. Tuy nhiên, không phải cháu nào cũng thích. Có cháu khi được hỏi có thích không thì chỉ lắc đầu nói :"Thối lắm". Nhưng dù sao đấy cũng là một trải nghiệm.
Một hôm, con trai tôi ngủ dậy muộn, tôi đưa đến nhà trẻ thì thấy lớp yên lặng, khi cháu bước vào thì cô "suỵt" yêu cầu im lặng, thì ra cả lớp đang được nghe nhạc cổ điển. Thế mới biết, người Đức được tiếp xúc âm nhạc cổ điển từ bé nên khi lớn lên mới có nhiều người hiểu và thích loại âm nhạc bác học này.
Khi học tiểu học, các lớp đều có giờ bơi. Không phải các trường đều có bể bơi, nhưng quận nào cũng có vài bể bơi trong nhà. Mùa đông, nước được sưởi ấm lên khoảng 28 độ C để giáo viên thể dục ở các trường đăng ký, đưa học sinh của mình tới học bơi. Vì thế, khi học hết tiểu học, học sinh nào cũng biết bơi. Những em nào thích, có năng khiếu có thể xin vào các trường chuyên về thể thao để sau này trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
Những năm học ở trường tiểu học, chương trình rất nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi, nhưng lại bao gồm những kiến thức thông thường, thiết thực đối với mọi người. Môn học được xếp lên trước tiên là môn Sachkunde, có thể tạm gọi là Khoa học thường thức.
Ở môn này, học sinh có thể học những kiến thức về lửa, về cứu hỏa, về lịch sử của lực lượng cứu hỏa, về sự nguy hiểm của đám cháy và cách dập lửa…, cũng như có thể học về luật và biển hiệu giao thông, học đi xe đạp, học cách đánh giá xem xe đạp thế nào là an toàn hoặc có thể học về từ trường trái đất, học về núi lửa, về cơ thể người, về nước Đức, về châu Âu, học về cách xem bản đồ, học về các loại khoai tây…
Bên cạnh đó, dĩ nhiên là các môn thông thường như tiếng Đức, trong đó cho điểm về cách diễn đạt khi nói, về khả năng đọc, về cách hành văn, về ngữ pháp và về chữ viết. Ngoài ra là các môn toán, thể dục, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình.
Lên lớp 5, học sinh không học môn Sachkunde nữa, nhưng lại có thêm môn ngoại ngữ là tiếng Anh, địa lý, sinh học và các môn còn lại như lớp 3 và 4.
Sang lớp 6, học sinh học các môn như lớp 5 và học thêm môn lịch sử, kiến thức xã hội. Đây cũng là thời gian giáo viên xem xét khả năng học tập của học sinh để hướng nghiệp, khuyên nên học tiếp lên đại học hay chuyển sang học nghề, vì sang trung học đã có sự phân chia trường.
Tại bang Berlin và Brandenburg, tiểu học là từ lớp 1 tới lớp 6, ở các bang khác tiểu học chỉ từ lớp 1 tới lớp 4. Sau khi học xong tiểu học và được lên lớp, giáo viên sẽ dựa trên khả năng của học sinh để giới thiệu vào dạng trường trung học nào, bởi vì có ba dạng trường trung học, đó là Hauptschule, Realschule và Gymnasium.
Học sinh các trường Hauptschule (có thể dịch nghĩa là trường chính) thông thường chỉ học hết lớp 9 hoặc lớp 10 là hết chương trình phổ thông để chuyển sang học nghề và đi làm. Học sinh các trường Realschule (có nghĩa là trường thực tế) thông thường học hết lớp 10 là chuyển sang học những nghề có đòi hỏi cao hơn trường Hauptschule, vì trong quá trình giảng dạy, yêu cầu đối với học sinh cũng cao hơn, hoặc nếu học khá có thể xin chuyển sang trường Gymnasium.
Những học sinh học Gymnasium thông thường có thể học hết lớp 12 sau đó làm bằng tú tài và xin vào đại học. Học trường Gymnasium, học sinh phải học ít nhất là 2 ngoại ngữ.
Tuy nhiên, muốn có được bằng tú tài là một điều cũng tương đối khó, vì đòi hỏi học sinh phải có trình độ khá cao. Theo một điều tra mới nhất, chỉ có 1/3 học sinh Đức là có được bằng tú tài và trong số con cái những người nước ngoài nhập cư vào Đức, chỉ có 1/10 học sinh thi đỗ tú tài. Trên lĩnh vực này, học sinh gốc Việt Nam là một ngoại lệ, vì có tới 50% học sinh người Việt được vào học Gymnasium và hầu hết trong số đó có được tấm bằng tú tài, có khả năng vào đại học.
Đức không tổ chức thi vào đại học. Điểm để tính tốt nghiệp và cấp bằng tú tài, trên cơ sở đó được chọn vào đại học là điểm tổng kết bình quân của 2 năm học cuối, cũng như điểm thi tốt nghiệp. Trong 2 năm học cuối, như ở Berlin là lớp 11 và 12, học sinh có thể chọn 2 môn mình thích nhất và khá nhất để làm môn học chính, khi thi sẽ được tính hệ số 2, ngoài ra sẽ phải thi một số môn bắt buộc khác. Như vậy, hệ thống giáo dục đã tính tới sở trường của mỗi cá nhân để phát huy chứ không cào bằng các học sinh như nhau.
Hệ thống giáo dục phổ thông của Đức rất toàn diện, không chỉ chú trọng những "môn chính" như toán, lý, hóa, văn... như ở Việt Nam, mà cung cấp nhiều kiến thức văn hóa, xã hội như âm nhạc, hội họa, bơi... để phục vụ cho cuộc sống của các em sau này. Tức là học để cho mình.
Trong những năm đầu trung học như lớp 7, lớp 8, học sinh thường được tự chọn chủ đề mình quan tâm để về tìm tài liệu và trình bày trước lớp quan điểm của mình về vấn đề đó, qua đó rèn luyện tư duy và khả năng diễn đạt trước đám đông. Vì vậy, khi lớn lên, rất nhiều người Đức có khả năng diễn thuyết tốt.
Nhà trường Đức cũng không khuyến khích việc ganh đua giữa các học sinh, không xếp hạng học sinh, chỉ khuyến khích các em chăm chỉ học tập theo khả năng, phát huy sở trường của mình. Ngày nghỉ là được nghỉ, không có bài tập về nhà. Thậm chí, học sinh nào được điểm mấy cũng chỉ tự mình biết.
Ở các lớp nhỏ, khi chúng tôi đi họp phụ huynh, nếu muốn biết điểm của con mình thì giáo viên che điểm của các học sinh khác lại. Khi các cháu tròn 18 tuổi, đủ tuổi thành niên, các cháu được quyền quyết định việc mình làm và chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Khi đó, phụ huynh không phải đi họp. Nếu các cháu muốn nghỉ học thì tự viết giấy xin phép...
Nhưng điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là lễ tốt nghiệp trường phổ thông và nhận bằng tú tài. Việc này được tổ chức chu đáo, long trọng hơn cả lễ nhận bằng tốt nghiệp đại học.
Lễ tốt nghiệp trường phổ thông được gọi là Abiball, tức là Dạ hội bằng tú tài, một ngày lễ quan trọng, được nhiều người coi là quan trọng nhất, chỉ có một lần trong đời, đánh dấu một sự trưởng thành sau mười mấy năm trời ngồi trên ghế nhà trường để rồi từ nay bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời.
Abiball thường được tổ chức tại một hội trường rộng rãi, có thể là sang trọng, tùy điều kiện từng nơi. Tham dự Abiball thường có toàn bộ giáo viên, cha, mẹ, anh chị em và dĩ nhiên là tất cả các cô tú, cậu tú sẽ được nhận bằng hôm đó. Tất cả mọi người đều ăn mặc lịch sự, sang trọng, đặc biệt là các nữ sinh, ai cũng muốn có một bộ váy thật đẹp trong dịp quan trọng này, muốn được lộng lẫy như một nàng công chúa.
Tại lễ Abiball, đại diện nhà trường (thường là hiệu trưởng) phát biểu chúc mừng và trang trọng trao bằng cho từng em một ở trên khán đài.
Có được bằng tú tài là một bằng chứng cho thấy học sinh đó đã được trang bị đầy đủ kiến thức trong trường phổ thông và kỹ năng sống để có thể vượt qua những khó khăn sẽ phải đương đầu trong học tập và làm việc sau này.
Vì vậy, các trường đại học danh tiếng ở Mỹ ở Anh… đều đánh giá rất cao những học sinh có bằng tú tài và điểm số tốt ở các trường trung học Đức.