Đưa điệu hò của dân chài vịnh Hạ Long vào trường học

Trường THPT Hòn Gai, thành phố Hạ Long là trường học đầu tiên ở tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thí điểm dự án “đưa ca dao, dân ca dân chài trên vịnh Hạ Long vào giảng dạy cho học sinh lớp 10”.

Trên vùng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, cộng đồng những người dân chài đời nối đời gắn bó trên các con thuyền giữa mênh mông non nước Hạ Long. Gắn bó với biển, cộng đồng dân chài vịnh Hạ Long đã tạo ra và lưu giữ một kho tàng đồ sộ, phong phú, đa sắc, đa diện - kho tàng ca dao, dân ca mang đậm yếu tố biển.

Dự án đưa ca dao, dân ca dân chài vịnh Hạ Long vào giảng dạy hướng tới mục tiêu giúp học sinh hiểu sâu hơn những nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển Hạ Long, đồng thời có thể đem tiếng hát của người dân vạn chài đến gần các học sinh.

Dự án tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm, gồm: Tìm hiểu về tác giả của ca dao dân ca trên vịnh Hạ Long; tìm hiểu về vẻ đẹp của loại hình văn nghệ dân gian này và tìm hiểu về sự tồn tại của ca dao dân ca trên vịnh Hạ Long trong nhịp sống hiện đại.

Từ những câu ca dao, dân ca, các em học sinh hiểu hơn về những nét đặc trưng của ngư dân vạn chài - những người đã cất giữ trong lòng vịnh Hạ Long những nét văn hóa đậm chất biển như: Kinh nghiệm đánh bắt thủy sản, làm ngư cụ, các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống và đặc biệt là kho tàng ca dao, dân ca trên biển - một nét văn hóa đã được hình thành, giữ gìn từ rất lâu đời.

Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh cho biết: Đây là dự án mang tính nhân văn, có tính giáo dục cao cần phát huy.

Từ giữa năm 2014, chính quyền địa phương đã hoàn thành việc đưa gần 300 hộ dân làng chài vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống. Ngoài việc dành nhiều thời gian và công sức để chăm lo cơ sở vật chất cho ngư dân, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển của người dân làng chài Hạ Long bằng nhiều hình thức.


Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung sưu tầm nhiều bài ca dao, dân ca của người dân làng chài vịnh Hạ Long, đó là tác phẩm "Ca dao vùng biển Quảng Ninh" của tác giả Vũ Thị Gái; “Ca dao, dân ca của dân chài trên Vịnh Hạ Long" của nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài; "Một số loại hình ca dao, dân ca ở Quảng Ninh" của Phạm Văn Học.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đang xúc tiến triển khai dự án “Phục dựng, bảo tồn và phát huy một số sinh hoạt văn hóa dân gian của ngư dân làng chài"; trong đó tập trung phục dựng những câu hò, điệu hát, bối cảnh diễn xướng của ca dao, dân ca trên vịnh Hạ Long, tổ chức các lớp dạy hát giao duyên cho con em dân chài...

Văn Đức (TTXVN)
Giữ nét đẹp văn hóa làng chài Hạ Long
Giữ nét đẹp văn hóa làng chài Hạ Long

Trước những lo ngại của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) về việc dân số ở các làng chài trong vùng lõi vịnh Hạ Long phát triển quá nhanh, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường trong vùng di sản,

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN