Nhiều điểm mới
Năm học 2024-2025, Thành phố dự kiến có khoảng 116.000 học sinh cuối cấp vào lớp 10, tăng khoảng 5.000 em so với năm ngoái; khoảng 128.000 học sinh vào lớp 6, giảm 24.000 em; số học sinh vào lớp 1 tăng 5.000 em. Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của Thành phố năm nay có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chỗ học cho người dân.
Đây là năm đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh dừng tuyển sinh lớp 10 không chuyên tại 2 trường Trung học Phổ thông chuyên. Để tăng cơ hội trúng tuyển cho học sinh, năm nay số nguyện vọng chuyên sẽ điều chỉnh lên 3 thay vì 2 như trước. Như vậy, mỗi thí sinh sẽ có tối đa 6 nguyện vọng vào lớp 10 công lập (3 nguyện vọng thường và 3 nguyện vọng chuyên hoặc tích hợp). Năm nay, Thành phố bổ sung thêm đối tượng được tuyển thẳng lớp 10 là thí sinh đạt giải trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế hoặc được cử đi tham gia các giải quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đáng chú ý, năm nay lần đầu tiên Thành phố áp dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10 với học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ). Theo đó, 45 học sinh đang học lớp 9 Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Thạnh An sẽ được xét tuyển để vào học lớp bậc Trung học Phổ thông tại trường.
Nhiều năm nay, dù học sinh phải đua gay gắt để vào lớp 10 công lập, nhưng vẫn có nghịch lý là một số trường tuyển không đủ chỉ tiêu được giao do học sinh trúng tuyển không nhập học. Nguyên nhân chủ yếu do học sinh đăng ký nguyện vọng ở trường xa nhà không thể theo học, học sinh tại địa phương lại không đủ điểm trúng tuyển. Mặt khác cũng có tình trạng một số thí sinh có điểm thi khá cao nhưng rớt cả 3 nguyện vọng do đăng ký vào trường không phù hợp.
Khắc phục những bất cập này, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay sẽ có thêm giai đoạn xét tuyển bổ sung. Tùy tình hình nộp hồ sơ nhập học tại các trường Trung học Phổ thông, Sở sẽ quyết định thực hiện tuyển sinh bổ sung với mục tiêu tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh có điểm thi cao.
Về tuyển sinh các lớp 1 và 6, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thực hiện tuyển sinh trực tuyến nhưng trên một hệ thống thống nhất chứ không sử dụng trang đăng ký riêng mỗi quận như năm trước. Sau một năm thí điểm tại 3 địa phương, năm nay Thành phố áp dụng hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) để phân bổ học sinh vào trường gần nơi cư trú không theo địa giới hành chính Phường, cho toàn thành phố. Công tác tuyển sinh ở địa phương cũng có thêm giai đoạn tuyển sinh bổ sung căn cứ vào tình hình thực tiễn nhằm đảm bảo chỗ học cho mọi học sinh trên địa bàn.
Đặc biệt, năm nay, Thành phố sẽ mở rộng thực hiện khảo sát năng lực để tuyển sinh lớp 6. Ngoài 2 trường đã thực hiện từ trước như Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (đang xây dựng đề án tách trường, trong đó có Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Trần Đại Nghĩa tuyển sinh lớp 6) và Trường Trung học cơ sở Trần Quốc Toản 1 (thành phố Thủ Đức), năm nay có thêm 4 trường thực hiện khảo sát vào lớp 6. Đó là Trường Trung học Cơ sở Hoa Lư và Trung học Cơ sở Bình Thọ (thành phố Thủ Đức); Trung học Cơ sở Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7); Trung học Cơ sở Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn). Đây đều là những trường đang thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, áp lực trong tuyển sinh khi có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu. Thay vì sử dụng đề chung của Sở như năm trước, năm nay một số địa phương sẽ xây dựng ngân hàng đề khảo sát riêng.
Tăng tốc ôn tập, hướng nghiệp
Chỉ còn 2-3 tháng nữa học sinh cuối cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông sẽ bước vào những kỳ thi quan trọng. Thời điểm này, cùng với tăng cường ôn tập, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cũng được các trường đẩy mạnh với hình thức đa dạng giúp các em có định hướng rõ hơn về nghề nghiệp trong tương lai.
Tham gia chương trình “Một ngày làm giáo viên” được Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1) tổ chức mới đây, gần 100 học sinh đã có những trải nghiệm thú vị khi được làm giáo viên đứng lớp. Soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng, tập đi tập nói, tìm tài liệu, rèn luyện kỹ năng tương tác, kết nối... Đây là những công việc các em phải làm để chuẩn bị cho một tiết dạy hoàn chỉnh trên lớp. Gia Huy, học sinh lớp 12A11 cho biết, dù chỉ đứng lớp một tiết dạy nhưng em đã phải chuẩn bị trước đó 2 tuần. Việc trải nghiệm này giúp em hình dung rõ hơn về công việc mà em chọn trong tương lai.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, hình thức trải nghiệm hướng nghiệp này giúp học sinh hiểu rõ về ngành nghề mà mình muốn theo đuổi trong tương lai. Biết đâu trong số gần 100 em sắm vai giáo viên, sẽ có vài em được chắp cánh ước mơ, lựa chọn theo học sư phạm trong Kỳ tuyển sinh đại học sắp tới và trở thành nhà giáo trong tương lai.
Thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, ngoài các môn bắt buộc, học sinh lớp 10 sẽ được chọn học 4 môn trong tổng số 9 môn học lựa chọn. Tùy điều kiện thực tế, mỗi Trường Trung học Phổ thông sẽ tổ chức các môn học lựa chọn khác nhau. Vì thế, bên cạnh chuẩn bị về mặt kiến thức, việc tư vấn chọn trường, chọn tổ hợp môn học tự chọn cho học sinh vào lớp 10 là rất quan trọng. Nếu chọn tổ hợp môn không phù hợp các em rất khó khăn trong việc theo học và phát huy được năng lực của mình trong suốt bậc Trung học Phổ thông.
Cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du (Quận 1) chia sẻ, ngay từ đầu năm học trường đã đẩy mạnh thông tin về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giúp các em nắm rõ được những điểm mới trong chương trình học ở bậc Trung học Phổ thông. Từ cuối học kỳ 1, các lớp cũng mời chuyên gia tư vấn về chọn tổ hợp môn học ở lớp 10. Phòng Tư vấn tâm lý của trường cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp tăng cường tư vấn chọn nguyện vọng cho học sinh. Thường giáo viên sẽ tư vấn 2 đến 3 vòng để hạn chế các trường hợp đặt sai nguyện vọng.
Học đến đâu chắc đến đó là phương châm của các trường trong tổ chức dạy và học cho học sinh khối lớp 9. Việc giữ ổn định cấu trúc, định hướng ra đề thi ở cả 3 môn thi lớp 10 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) tạo thuận lợi cho các trường trong triển khai kế hoạch dạy học và ôn thi. Riêng đề môn Ngữ văn ở kỳ thi này có điều chỉnh trong phần Nghị luận văn học, học sinh vẫn lựa chọn 1 trong 2 đề, nhưng chỉ đề 2 mới được tự chọn tác phẩm còn đề 1 thì cho sẵn tác phẩm.
Thầy Võ Kim Bảo, Giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du (Quận 1) cho rằng, việc giới hạn chọn tác phẩm trong sách cũng là một dạng quen thuộc nên điều chỉnh này không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh trước đó. Điều chỉnh này có phần thuận lợi hơn cho học sinh, bởi đề tự chọn tác phẩm có thể khiến một số học sinh nhầm lẫn khi chọn tác phẩm, dẫn đến lạc đề, mất điểm ở cả bài này. Dù tính mở của đề thi có giảm đôi chút nhưng điều chỉnh này bảo đảm sự an toàn cho học sinh. Trong 4 điểm ở phần Nghị luận văn học vẫn có 1 điểm là mở, tỷ lệ như vậy là khá ổn.
Theo thầy Võ Kim Bảo, chuẩn bị cho kỳ thi, ngay thời điểm đầu học kỳ 2 giáo viên đã bắt đầu cho học sinh vừa học vừa ôn tập ở các tiết tăng thêm để các em nắm vững kiến thức. Giữa học kỳ 2, giáo viên hướng dẫn các em làm quen và luyện đề để thành thạo các kỹ năng làm bài. Trong các tiết học, giáo viên cũng cho một số bài tập với thời gian giới hạn để học sinh vừa luyện kỹ năng vừa quen với áp lực thời gian làm bài thi.
Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố yêu cầu các trường cung cấp đầy đủ thông tin trên hệ thống quản lý thi về hoạt động giáo dục Trung học Phổ thông, từ việc tổ chức các tổ hợp môn tự chọn, các loại hình tuyển sinh, học phí đến các hoạt động ngoại khóa… Đây là cơ sở quan trọng để học sinh chọn nguyện vọng phù hợp. Hệ thống này cũng tích hợp công cụ khảo sát việc chọn tổ hợp của thí sinh, hỗ trợ các trường xây dựng nhóm môn lựa chọn theo nhu cầu của học sinh.