Đổi mới để luôn tạo được sự hứng thú cho học sinh

Trong 21 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Đỗ Thị Nguyệt Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lâm (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã có 15 năm liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp.

Chú thích ảnh
Cô giáo Đỗ Thị Nguyệt Hằng trong giờ lên lớp.

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang, cô Nguyệt Hằng về công tác ở Trường Tiểu học Mỹ Lâm. Với lòng yêu nghề, cô luôn nỗ lực tìm tòi, áp dụng những phương pháp giảng dạy mới giúp  học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhiều năm liền, học sinh của cô đoạt giải cao ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Chia sẻ về phương pháp dạy học, cô Hằng cho biết, để giúp  học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, giáo viên cần tìm tòi những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Bên cạnh đó mỗi giáo viên phải coi các em học sinh như con, em của mình, thường xuyên gần gũi, động viên các em có thành tích để các em có động lực cố gắng trong học tập.

Ngoài giảng dạy các bài học theo chương trình, cô Hằng còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo không khí vui vẻ trong học tập, giúp học sinh hứng thú hơn với môn học, tiếp thu kiến thức tốt hơn. Các hình thức sinh hoạt ngoại khóa được cô tổ chức như: Sân chơi những người yêu toán; tìm hiểu về các nhà Toán học trên thế giới, tìm hiểu thêm các bài toán vui, bài toán lạ trên các tạp chí về toán học... luôn tạo được sự hứng thú cho học sinh.

Theo cô Nguyệt Hằng, đối với những học sinh có lực học yếu, ngoài việc giao cho các em những bài tập ở mức độ vừa phải, giáo viên còn  đến từng gia đình các em để tìm hiểu hoàn cảnh, phối hợp với gia đình kèm cặp các em làm bài tập ở nhà.

Cô Hằng còn là một giáo viên có nhiều ý tưởng, sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong đó giải pháp “Nâng cao chất lượng tổ chuyên môn bằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy” do cô nghiên cứu đã được áp dụng tại Trường Tiểu học Mỹ Lâm, mang lại hiệu quả cao.

Là tổ trưởng tổ chuyên môn khối lớp 4 của trường, cô Hằng luôn nhắc nhở các giáo viên  trong tổ chuyên môn xác định việc sinh hoạt tổ chuyên môn là hoạt động cần thiết, bổ ích, góp phần  nâng cao nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho giáo viên.

Ngoài ra, cô còn chuẩn bị kế hoạch  cụ thể chi tiết theo từng tuần, từng tháng, từng giai đoạn hoạt động của tổ chuyên môn sát với nhiệm vụ năm học, phân công trách nhiệm theo năng lực, sở trường của từng thành viên trong tổ, phát huy tối đa năng lực của giáo viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những giải pháp này đã góp phần tạo điều kiện cho các thành viên của tổ tham gia sinh hoạt chuyên môn một cách hào hứng, không còn sự gượng ép, nhàm chán, chất lượng giảng dạy của nhà trường cũng được nâng dần, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của Trường tiểu học Mỹ Lâm tăng từ 3 - 5% qua từng năm học.

Trong 21 năm công tác, cô giáo Đỗ Thị Nguyệt Hằng có 15 năm liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cô còn có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia... Năm học 2017-2018, cô giáo Đỗ Thị Nguyệt Hằng được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước.

Nói về cô giáo Đỗ Thị Nguyệt Hằng, cô giáo Bùi Thị Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lâm cho biết thêm: Cô Hằng là người rất yêu nghề, tận tâm và có trách nhiệm cao trong công tác.Trong các  kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cô luôn được đánh giá cao về chuyên môn cũng như trong xử lý tình huống.

Trên bục giảng, cô Hằng luôn tạo được sự thân thiện, cởi mở với học sinh, giúp học sinh có sự hứng thú trong học tập. Cô Hằng còn là một tổ trưởng tổ chuyên môn rất tâm huyết, có nhiều sáng kiến trong công tác đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, xây dựng hình ảnh nhà trường thân thiện, học sinh tích cực.

Bài và ảnh: Quang Cường (TTXVN)
Chuyện về các cô giáo cắm bản nơi 'đỉnh trời' Pú Vang
Chuyện về các cô giáo cắm bản nơi 'đỉnh trời' Pú Vang

Nằm trên đỉnh núi Pú Vang, cụm bản Pú Vang-Huổi Meo (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) có hơn 80 hộ dân với gần 600 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây sống trong cảnh không nguồn điện lưới, không nước sạch, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, phụ thuộc vào cây ngô, củ sắn và hạt thóc trên nương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN