Điệp khúc thiếu trường học ở các khu đô thị chưa lời giải

Những năm gần đây, tại cuộc họp tổng kết năm học, vấn đề thiếu trường học ở các khu đô thị lại được nhắc đến với nhiều đề nghị tha thiết. Mặc dù ngành giáo dục đã có những giải pháp như tuyển sinh trực tuyến nhưng tình trạng xếp hàng đêm để xin học cho con vẫn diễn ra trong năm nay và có những biến tướng.

Để có một chỗ học, đặc biệt ở trường công lập, trường chất lượng cao, nhiều phụ huynh phải rất chật vật. Ảnh: TTXVN

Theo quy định, mỗi phường trên địa bàn Hà Nội sẽ có 1 trường công lập mầm non, tiểu học, THCS. Tuy nhiên, ở những khu đô thị mới việc xây nhà cao tầng không đi kèm với nhà trẻ, trường tiểu học. Thậm chí, những trường tư mọc lên với mức phí quá cao, nhiều gia đình không đủ sức chi trả.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố thiếu khoảng 90 trường học (cả cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông). Trong đó, tập trung nhiều tại các khu đô thị, nơi có mật độ tăng dân số cơ học cao như quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông...

Thực tế cho thấy, mùa tuyển sinh trước, phụ huynh phải bắt thăm để vào học mầm non ở trường mầm non Hoa Sữa (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là cơ sở giáo dục mầm non công lập duy nhất trên địa bàn quận. Trường chỉ có 91 chỉ tiêu lớp mẫu giáo nhưng có tới 186 trẻ đăng ký. Trước tình huống này, trường phải dung biện pháp bốc thăm. Với mức học phí dân lập, không phải cư dân nào cũng đủ điều kiện để cho con theo học. Do vậy, vấn đề cần đặt ra là cần phải có trường công lập tại các khu đô thị để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân thu nhập không cao.

Theo thống kê của UBND quận Hoàng Mai, việc tăng dân số cơ học đông nhất là tại phường Hoàng Liệt với khoảng 6 vạn người. Tại đây, đã có 3 trường công lập nhưng thực tế để đáp ứng đủ chỗ học thì phải thêm 2 trường nữa. Năm học 2017-2018 số học sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai tăng thêm 10.000 em; ở cấp học mầm non, số trường công chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu học sinh. Thực tế đó dẫn đến số học sinh/lớp tại quận Hoàng Mai cao, nhiều em phải đi học ở các quận, huyện khác. Như vậy, đến năm 2020, quận Hoàng Mai đang thiếu 28 trường học.

Hà Đông cũng là quận đang phát triển với nhiều tòa nhà cao tầng, khu đô thị mọc lên. Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, trưởng phòng giáo dục quận Hà Đông thì mỗi năm Hà Đông tăng trung bình từ 5.000-7.000 học sinh. Năm 2018, quận Hà Đông có 110 trường với 85.000 học sinh và 3600 giáo viên, thành lập 7 trường trong đó có 5 trường mầm non và 2 trường tiểu học để đáp ứng điều kiện tăng dân số. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng đủ với việc tăng dân số tại các khu đô thị như hiện nay.

Thông tin từ Sở GD – ĐT Hà Nội thì hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có tới 573 dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở. Thực trạng thiếu trường, nhất là trường công lập trong các khu đô thị dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống trường có sẵn trên địa bàn. Các trường này được xây dựng để đáp ứng nhu cầu người dân vốn sinh sống trên địa bàn. Khi các khu đô thị, khu nhà ở được đưa vào hoạt động, lượng dân cư mới đến ở có thể tương đương dân số của một phường, dẫn đến tình trạng quá tải ở các trường, lớp công lập.

Số lượng trường học chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ảnh: Lê Sơn

Mới đây, công bố tại buổi họp của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội về các công trình hạ tầng đô thị cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, chỉ có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; còn lại các dự án có quy hoạch hạ tầng xã hội, nhưng chậm triển khai.

Báo cáo của Ban Văn hóa, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, những điểm cụ thể được nhắc đến như như: Khu đô thị Văn Phú còn 1 trường THCS, một trường tiểu học đang xây dựng; Khu đô thị Đặng Xá còn một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS chưa triển khai đầu tư xây dựng; khu nhà ở 136 Hồ Tùng Mậu GoldMark City còn một trường tiểu học liên cấp và THCS đang triển khai xây dựng; dự án Tây Nam Linh Đàm chưa xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, một trường tiểu học, 2 trường THCS. Ngoài ra, ở một số khu đô thị đã xây dựng công trình hạ tầng xã hội, nhưng quy mô các công trình còn nhỏ so với quy mô dân số.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hoá - Xã hội HNĐN thành phố đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao; sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trường học tại khu đô thị.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận định: “Khi thiết kế các tòa nhà, khu đô thị đều đưa ra phương án trường học đi kèm. Nhưng ở nhiều nơi cho thấy, trường học vẫn chưa hoàn thiện, người dân đã vào ở rồi. Điều này cũng phải hỏi đến những đơn vị nghiệm thu dự án, khu đô thị”.

Dự kiến đến năm 2020, Hà Nội vẫn thiếu 314 trường học. Bài toán thiếu trường học ở khu đô thị có lẽ vẫn là bài toán nan giải trước thực trạng tăng cơ học của dân số.

HA/Báo Tin tức
Hà Nội: Mức học phí bậc mầm non, giáo dục phổ thông công lập tăng cao nhất 45.000 đồng/tháng
Hà Nội: Mức học phí bậc mầm non, giáo dục phổ thông công lập tăng cao nhất 45.000 đồng/tháng

Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội với 99/102 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 98%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN