Điểm tiếng Anh, Lịch sử đã được cải thiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT  

Điểm thi môn tiếng Anh, Lịch sử tiếp tục bị “bét bảng” trong đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì mức điểm này thực sự đã được cải thiện hơn so với năm ngoái và phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID - 19 đã tác động lên việc học của thí sinh.

Ở mức "bét bảng"

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), môn Lịch sử có 260.074 thí sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm 46,95%). Môn tiếng Anh, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 472.990 (chiếm 63,13%).

Chú thích ảnh

 Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử của cả nước năm 2020 cho thấy: Có 553.987 thí sinh tham gia thi môn Lịch sử trong đó điểm trung bình là 5,19 điểm, điểm trung vị là 5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,5 điểm.  

Chú thích ảnh

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của cả nước năm 2020 cho thấy: Có 749.285 thí sinh tham gia thi môn Tiếng Anh trong đó điểm trung bình là 4,58 điểm, điểm trung vị là 4,2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm.   

Lý giải về điều này, theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội thì đây là "Điểm đáng mừng" bởi điểm thi môn Lịch sử - môn thi luôn được xã hội quan tâm và thảo luận nhiều năm trước - đã có sự cải thiện rất đáng kể, phản ánh những nỗ lực đổi mới về phương pháp giảng dạy môn Lịch sử của ngành giáo dục, các trường THPT cũng như nỗ lực của giáo viên và học sinh.    

Đối với môn Tiếng Anh, điểm thi cũng đã có sự cải thiện nhưng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của các môn khác. GS Nguyễn Đình Đức đánh giá: “Tôi đánh giá kết quả này phản ánh trung thực năng lực ngoại ngữ của các em học sinh THPT hiện nay. Học ngoại ngữ là cả một quá trình và chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để cải thiện trong những năm tiếp theo”.

Phù hợp với tình hình dịch bệnh

Trao đổi thêm về bảng xếp hạng các địa phương theo kết quả thi THPT, GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, đây là những con số “biết nói” và rất giá trị, phản ánh một phần chỉ số giáo dục của địa phương. Qua bảng xếp hạng cho thấy, các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa để phát triển giáo dục. Một số địa phương khác, mặc dù có khó khăn, hoặc chưa phải là những thành phố, đô thị phát triển, nhưng nếu được quan tâm và chăm lo, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất tích cực.

Nhìn lại kỳ thi đợt 1 vừa qua, GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, có thể đánh giá kỳ thi đã thành công tốt đẹp.  Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các quyết sách, những điều chỉnh về đề thi, cách thức tổ chức thi và xét tuyển của Chính phủ và của Bộ như vậy là phù hợp với thực tiễn. Thí sinh và phụ huynh yên tâm. Các trường đại học cũng yên tâm về nguồn tuyển sinh năm nay, cả về chất lượng và số lượng. Bộ GD&ĐT có những hỗ trợ rất tích cực với các trường đại học thông qua việc triển khai phần mềm để quản lý đầy đủ dữ liệu thí sinh trên toàn quốc, cung cấp dữ liệu này cho các trường, từ đó giúp các trường minh bạch và nhanh hơn trong khâu xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.  

TS Lê Thống Nhất cho rằng: Nếu trước đây một số môn như Lịch sử, tiếng Anh điểm trung bình thấp, bị xã hội phản ứng, thì năm nay điểm trung bình hai môn này dù vẫn thấp so với các môn khác nhưng đã có sự cải thiện.

Dẫn chứng về điều này, TS Lê Thống Nhất chỉ ra, năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3, môn tiếng Anh là 4,36. Năm nay điểm trung bình môn Lịch sử đã tăng lên ở mức trên 5 điểm, môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là 4,57. Kết quả thi môn tiếng Anh như vậy cũng phản ánh thực chất vấn đề học ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay. Qua đó, đặt ra yêu cầu là phải nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ theo hướng đào tạo công dân toàn cầu. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đầu tư, đẩy mạnh chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh cũng là điều chúng ta cần rất quan tâm.

Những môn ít rơi vào tổ hợp xét tuyển đại học như Sinh học điểm trung bình cũng ở mức thấp so với các môn học khác, là 5,59. Điểm trung bình môn học này thấp, theo TS Lê Thống Nhất, không phải do chất lượng dạy và học kém mà do học sinh khá thực dụng. Các môn thi tốt nghiệp nhưng ít có tổ hợp xét tuyển đại học thì động lực học tập của các em cũng không nhiều.

Thí sinh tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT tại đây:

 

Lê Vân/ Báo Tin tức
Đà Nẵng tổ chức điểm thi riêng cho các thí sinh F1, F2
Đà Nẵng tổ chức điểm thi riêng cho các thí sinh F1, F2

Ngày 27/8, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Mai Tấn Linh cho biết, để kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2020 (đợt 2) được đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19, thành phố đã tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả thí sinh và cán bộ coi thi, đồng thời bố trí điểm thi riêng cho các thí sinh F1, F2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN