Nỗ lực vượt khó
Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tiểu hợp phần 1 của dự án. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng quản trị đại học. Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 5 năm (2018 - 2022) với mục tiêu nhằm phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong nước về khoa học và công nghệ; tập trung các nguồn lực nâng cao hiệu quả trong phát triển khoa học và công nghệ ở các lĩnh vực ưu tiên then chốt; hỗ trợ đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ toàn diện và bền vững.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS.TS Trần Ngọc Khiêm, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia dự án từ năm 2018, tập trung xây dựng các phòng làm việc và nghiên cứu tại toà nhà C7 và cung cấp trang thiết bị hiện đại cho 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu và 15 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo thuộc các lĩnh vực mũi nhọn: Điện, Điện tử, Cơ điện tử và Khoa học vật liệu”.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Ngọc Khiêm cho biết: “Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia dự án từ năm 2018 nhưng thực tế triển khai từ năm 2020. Sau khi giải quyết những vấn đề về thủ tục, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cho phép, nhà trường đã nỗ lực cùng các nhà thầu triển khai các gói tư vấn với 3 hạng mục lớn. Năm 2020 khi thực sự triển khai chúng tôi gặp phải dịch COVID-19 tác động tới quá trình xây dựng. Thời gian giãn cách diễn ra khi thời gian để hoàn thành các hạng mục xây dựng toà nhà C7 chỉ còn 20 tháng. Bằng mọi nỗ lực của nhà trường và được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện nên dự án được kéo dài thêm 6 tháng. Thành công của hôm nay nỗ lực của mỗi cán bộ, nhân viên nhà trường cũng như sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước”.
Đánh giá từ Ngân hàng thế giới dự án SAHEP có hai thành công lớn tại Đại học Bách khoa Hà Nội: Không phát sinh vấn đề liên quan đến an toàn lao động, môi trường và an sinh xã hội; Dự án hoàn thiện và kết thúc theo đúng kế hoạch đề ra vào cuối tháng 6/2023.
Đòn bẩy cho tự chủ
Trong báo cáo dự án của TS. Nguyễn Tiến Cương, Phó Trưởng ban SAHEP, các trang thiết bị trong các Phòng thí nghiệm thuộc dự án sẵn sàng để giảng viên, sinh viên khai thác sử dụng, đảm bảo tính hiệu quả trong thời gian bảo hành, bảo trì thiết bị. Việc xây dựng tòa nhà C7 về cơ bản đã hoàn tất, chuẩn bị cho quá trình nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chứng chỉ môi trường và chất lượng công trình từ giữa tháng 5/2023.
PGS. TS Lê Thái Hùng, đại diện Trường Vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, các thiết bị trong 8 phòng thí nghiệm thuộc Trường giúp đẩy mạnh chất lượng và hiệu quả nghiên cứu. Khối ngành Vật liệu từng nhận được hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới cho trang thiết bị phòng thí nghiệm từ năm 2006, song các thiết bị đến nay không còn mới và cập nhật. Khi thống nhất các đơn vị liên quan thành Trường Vật liệu, nhiều dự án, hợp tác được triển khai.
“Công bố khoa học của các nhà nghiên cứu của Trường Vật liệu đã tăng 1-1.5 bài báo ISI/Scopus trên mỗi cán bộ. Đây là con số khá ấn tượng”, PGS. TS Lê Thái Hùng nói.
Còn theo PGS. TS Tạ Ngọc Dũng, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách khoa Hà Nội), Trường Hoá và Khoa học sự sống được thụ hưởng 4 phòng thí nghiệm trong dự án, bao gồm 3 phòng thí nghiệm nghiên cứu về vật liệu polime, xúc tác môi trường và ceramics và 1 phòng thí nghiệm đào tạo về mô phỏng vật liệu. Hỗ trợ từ dự án SAHEP giúp các nhà khoa học của Trường Hóa và Khoa học sự sống chủ động hơn trong nghiên cứu. Nhiều đơn vị chia sẻ Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên có những thiết bị tiên tiến như vậy, và hi vọng có thể tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong trong nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Trần Ngọc Khiêm, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: "15 phòng thí nghiệm nghiên cứu khi hoàn thành tạo điều kiện cho các thầy cô làm nghiên cứu tốt hơn; Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh phục vụ cho việc tăng cường nghiên cứu của trường. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu không chỉ phục vụ các cán bộ khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn mở cửa đón các các bộ khoa học khác trường đại học khác. Với cách làm như vậy, giá trị này là giá trị chung về nghiên cứu khoa học ở khu vực miền Bắc”.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Khiêm, các hạng mục được hoàn thiện là cơ hội để thành lập các trường và là địa điểm để tái cấu trúc đưa trường về vị trí phù hợp. Trong tiến trình phát triển Nhà trường, đây là những ảnh hưởng tốt trong quá trình tự chủ.
"Đối với một trường đại học tự chủ việc nghiên cứu khoa học là hoạt động tốn kém và để một đại học phát triển tốt ngang tầm thế giới và khu vực phải đầu tư lớn, đặc biệt đầu tư nghiên cứu khoa học. Nếu không có đầu tư của nhà nước trong nghiên cứu khoa học một cách mạnh mẽ thì rất khó để trở thành một đại học theo hướng nghiên cứu. Nhưng khi có hỗ trợ như SAHEP đã mở ra điều kiện cơ sở vật chất để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và phát triển", PGS. TS Trần Ngọc Khiêm khẳng định.
Ông Micheal Drabble, Chuyên gia Giáo dục cao cấp của World Bank bày tỏ sự vui mừng khi được lắng nghe những câu chuyện và chia sẻ về tầm ảnh hưởng tích cực mà các Phòng thí nghiệm trong dự án mang lại, đặc biệt đối với hai trường mới thành lập: Trường Vật liệu và Trường Hoá và Khoa học sự sống.
PGS.TS Trần Ngọc Khiêm khẳng định, Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Thế giới chia sẻ bài học kinh nghiệm trong tự chủ để đóng góp cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.