Tự chủ không có nghĩa là “tự lo” và “tự do”
Năm 2022, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chính thức thực hiện tự chủ theo lộ trình. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc thực hiện tự chủ tại trường đã tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện nhưng vẫn còn một số vướng mắc.
Trong số đó, việc cắt chi thường xuyên ngay sau khi cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của trường, dẫn đến hạn chế chi đầu tư cho các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Với các trường tự chủ, nguồn thu hiện nay vẫn chủ yếu là từ học phí nhưng không phải ngành nào cũng thu hút người học. Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học cho phép các trường đại học tự chủ được quyền quyết định học phí nhưng phạm vi quyết định lại được quy định bởi Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Các vấn đề hợp tác công tư đối với các đơn vị tự chủ (chính sách, pháp lý, tài sản...) cũng chưa đồng bộ, rõ ràng, tạo hành hang pháp lý cho đơn vị có thể giải quyết được vấn đề tạo các nguồn thu hợp pháp, giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu học phí.
“Cần có giải pháp hài hòa, quan điểm tự chủ tách khỏi quản lý Nhà nước ở mức nào cho phù hợp. Bởi có những ngành cần khuyến khích, hỗ trợ người học, hỗ trợ nhà trường thực hiện nhiệm vụ chính trị lâu dài” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan bày tỏ.
Sau hơn một năm thực hiện tự chủ, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả bước đầu ở nhiều mặt từ đổi mới mô hình quản trị, phát triển đội ngũ đến phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất… Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, dù có nhiều nỗ lực nhưng việc nâng cao hiệu quả hoạt động của trường vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Ngân sách chi đầu tư được cấp có xu hướng giảm trong khi nguồn thu tăng lên từ học phí chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi đầu tư và chi thường xuyên; còn vướng mắc trong quy định của pháp luật về tuyển dụng nhân sự và chi trả thu nhập nên rất khó thu hút và giữ chân nhân sự có trình độ cao, chuyên môn giỏi. “Ngân sách chi thường xuyên không còn được cấp ngay từ đầu năm tài chính được phê duyệt tự chủ, trong khi đến tháng 9 của năm đó trường tự chủ mới được phép thu học phí đối với khóa tuyển sinh mới. Vì vậy, nguồn thu tăng thêm chưa đủ để bù đắp được khoản thiếu hụt do cắt giảm ngân sách được cấp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh nêu thực tế.
Tự chủ đại học là một chủ trương lớn, được coi là chính sách, giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Ở góc độ triển khai quy định pháp luật vào thực tiễn, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cách hiểu về tự chủ đại học vẫn còn có những nhầm lẫn đáng tiếc theo hướng tự chủ là “tự do” và “tự lo”, dẫn tới việc vận dụng vào thực tiễn không thống nhất. Tự chủ có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính, muốn thực hiện tự chủ toàn diện, các trường sẽ phải cân nhắc, đánh đổi với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư. Cũng có quan điểm cho rằng, tự chủ nghĩa là trường hoàn toàn “tự do” quyết định mọi việc mà phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, tự chủ đại học ở mức độ nào cũng luôn có vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, kiểm soát chất lượng; đặc biệt là trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo sự công bằng, bình đẳng trong thực hiện tự chủ đại học cũng như trong đầu tư cho phát triển giáo dục đại học.
Đồng bộ các quy định pháp luật
Dù đạt được những kết quả nổi bật, tác động tích cực tới hệ thống giáo dục đại học trong thực hiện vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng việc thực hiện cơ chế tự chủ vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, thực hiện tự chủ đại học liên quan tới tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản còn nhiều vướng mắc.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy tự chủ đại học với các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; về tài chính, tài sản; về học thuật và hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong thực tiễn triển khai, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản. Cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường công lập còn bị ràng buộc, điều chỉnh bởi rất nhiều luật chuyên ngành như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý tài sản công...
Từ thực tế đó đặt ra yêu cầu phải đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan kiến nghị, để thúc đẩy tự chủ đại học, các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến vấn đề này cần được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Trong đó, cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính thống nhất và hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh: Cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm tự chủ nguồn nhân lực; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và quản lý sinh viên; trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục, các chuẩn mực học thuật, nghiên cứu và giảng dạy; đến tự chủ trong các vấn đề quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường. Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trọn vẹn, tránh tình trạng tự chủ nửa vời hoặc trao quyền tự chủ nhưng vẫn bị “trói buộc” bởi cơ chế.
Nói về vấn đề tài chính giáo dục đại học, ông Christophe Lemiere, Trưởng ban Phát triển con người, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục đại học ở Việt Nam có mức thấp và là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn thu học phí. Trong khi đó, cơ chế giảm dần phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước và tăng cường chia sẻ chi phí chỉ có thể khả thi đối với một số ít trường đại học có khả năng thu đủ học phí từ các ngành học, chương trình đào tạo có sức hút với sinh viên. Mô hình chia sẻ chi phí cũng trở nên thiếu bền vững và có nguy cơ bất bình đẳng cao khi nhóm sinh viên khó khăn về tài chính có nguy cơ bị bỏ lại phía sau bởi thực tế việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn hạn chế. Mặt khác, phân bổ ngân sách cho nghiên cứu và phát triển chưa tương xứng với năng lực hiện có và chưa được sử dụng hiệu quả; tham gia của khu vực tư nhân và phương thức đối tác công tư còn hạn chế.
Từ thực tế trên, chuyên gia Ngân hàng Thế giới đưa ra một số khuyến nghị về tài chính cho giáo dục đại học. Trong đó, Việt Nam cần điều chỉnh các chính sách liên quan tự chủ tài chính và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; tránh đồng nhất tự chủ tài chính với tự lực cánh sinh về tài chính hay hiểu theo nghĩa hẹp là không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tăng đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học từ mức 0,23% (giai đoạn 2011-2020) lên 0,8-1% GDP trước năm 2030 để đảm bảo tài chính bền vững cho các trường và tiếp cận công bằng cho sinh viên. Cùng với đó, cần tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các cơ sở giáo dục đại học, từ mức 13-18% hiện tại lên tối thiểu 30% trước năm 2026; có chính sách đa dạng hóa nguồn thu, huy động nguồn lực bổ sung từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân cho giáo dục đại học.