Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học sớm thực hiện cơ chế tự chủ đại học. Trường thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2025, với 5 mục tiêu và 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm (2021-2025); trong đó đổi mới quản trị là giải pháp then chốt.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trường chủ động đổi mới mọi mặt hoạt động, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy năng lực và thế mạnh nội tại để thúc đẩy tăng trưởng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ”.
Nhấn mạnh lấy người thầy làm nền tảng, là động lực để phát triển, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết: “Người thầy được tạo điều kiện tối đa để phát triển giảng dạy và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững; Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế thương hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng cho người học”.
Khẳng định việc thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2011-2020, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết: “Đây là xu hướng toàn cầu, thậm chí còn có cả ý kiến kêu gọi không đưa tên các trường đại học ở các quốc gia có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế”.
“Nếu như không được đào tạo trong môi trường đổi mới sáng tạo thì làm sao sinh viên sau này có thể cạnh tranh bởi sự khác biệt, làm sao có tư duy làm tốt, làm tốt hơn, làm sao vượt lên khỏi các công việc mang tính quy trình sẽ là việc dành cho robot và trí tuệ nhân tạo sau này”, TS Lê Trường Tùng cho biết.
“Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nên chăng mục tiêu chiến lược kết hợp hài hòa giữa chất lượng, số lượng và hiệu quả”, TS Lê Trường Tùng đề xuất.
PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định: “Tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn, xu thế các trường đại học trên thế giới. Cách đây 7 năm Việt Nam đã tiến hành thí điểm tự chủ 23 trường đại học và đến nay đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Đại học Tôn Đức Thắng là một ví dụ như vậy. Sau khi trường được tự chủ đã được thế giới xếp hạng là một trong 400 trường danh tiếng trên thế giới”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Thành công lớn nhất của tự chủ đại học là thay đổi tư duy, nhận thức, hành động trong quản trị đại học. Từ tư duy, cách thức quản lý nhà nước tới việc quản trị nhà trường, phân bổ nguồn lực cũng như thay đổi cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo tới người học. Từ những thay đổi đó, dẫn tới nhà trường thu hút nguồn lực tốt hơn, có năng lực cạnh tranh tốt hơn trong hệ thống. Cuối cùng cung cấp chất lượng đào tạo tốt hơn cho người học. Cung cấp những sản phẩm kết quả nghiên cứu phục vụ cộng đồng”.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Các trường đại học đã tự chủ đang vận hành rất tốt. Đây là nơi mà Nhà nước nên đầu tư vì đầu tư vào giáo dục đại học mang lại lợi ích không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài”.