Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm. Theo đó, mặt bằng điểm chuẩn các ngành và các phương thức đều tăng so với năm 2022, chương trình đào tạo mới, gắn liền công nghệ có lượng hồ sơ đăng ký đông.
Cụ thể, điểm chuẩn 2 phương thức xét tuyển học sinh giỏi và xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn của 51 chương trình đào tạo tuyển sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 47-77 điểm; tại Phân hiệu Vĩnh Long, điểm chuẩn các ngành xét theo 2 phương thức này từ 40 - 48 điểm.
Với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn các ngành từ 800 - 985 điểm đối với cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh và từ 550 - 600 với Phân hiệu Vĩnh Long.
Qua công tác tuyển sinh của nhà trường cho thấy, hai lĩnh vực học thí sinh quan tâm nhiều nhất là các ngành nền tảng và chương trình thuộc lĩnh vực công nghệ, Các ngành này có điểm chuẩn tăng mạnh nhất. Đáng chú ý, ngành Kinh tế chính trị lần đầu tiên tuyển sinh độc lập cũng có điểm chuẩn cao tương đối so với nhiều ngành truyền thống khác.
Bên cạnh 51 chương trình đào tạo đã công bố trước đó, năm nay, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh thêm 3 ngành mới của lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin theo phương thức xét điểm tốt nghiệp Trung học phổ thông 2023, gồm Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính và An toàn thông tin. Các ngành này được đào tạo theo hướng ứng dụng, tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với kỳ vọng phần nào giải quyết được bài toán khó của nhân lực lĩnh vực máy tính, công nghệ hiện nay.
Ở nhiều trường khác, nhất là trường ngoài công lập, điểm chuẩn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực khá thấp so với mức điểm thi trung bình của thí sinh dự thi năm nay đạt được. Điểm chuẩn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhiều ngành ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là 550 điểm, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh là 500 điểm cho tất cả các ngành. Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cũng ở mức 550 điểm... Các trường này tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 đến tháng 7 tới.
Trong khi đó, phân tích kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, điểm trung bình các bài thi trong đợt 1 là 639,2 điểm, đợt 2 là 650,4 (trên thang điểm 1.200). Trong số hơn 130.000 thí sinh dự thi ở cả hai đợt, có gần 60.000 em đạt điểm thi trên 600. Năm nay có 91 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển.
Dù tổng số thí sinh tham dự kỳ thi năm nay tăng so với năm trước nhưng ở nhiều trường, số thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào giảm mạnh; riêng số thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống trực tuyến chung của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (66 trường tham gia) chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số thí sinh dự thi năm nay.
Cùng với xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, một trong những phương thức xét tuyển sớm được nhiều trường sử dụng đó là xét học bạ. Các trường ngoài công lập tổ chức liên tục nhiều đợt xét tuyển học bạ để thu hút thí sinh. Theo công bố của nhiều trường cho thấy, điểm chuẩn ở phương thức này không có nhiều biến động so với những năm trước, mức điểm chuẩn phổ biến ở các ngành trong khoảng từ 15-19 điểm.
Theo quy định, với các phương thức xét tuyển sớm, thí sinh chỉ trúng tuyển chính thức sau khi được công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và phải đăng ký lại nguyện vọng này trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng hướng dẫn. Mặt khác, đủ điều kiện về điểm chuẩn ở các phương thức sớm nhưng vào ngành không như kỳ vọng, thí sinh có thể tham gia xét tuyển ở phương thức khác, trường khác để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích.