Trao đổi với PV báo Tin tức, TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại Thương cho biết: Sáng 15/7, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã họp và thống nhất ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào. Theo đó, các chương trình tiên tiến Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Chương trình chất lượng cao Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, chương trình Kế toán - Kiểm toán ACCA theo định hướng nghề nghiệp quốc tế, chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng nghề nghiệp quốc tế: Mức điểm nhận hồ sơ phương thức kết hợp là tổng điểm 2 bài/môn thi THPT quốc gia năm 2019 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ) đạt từ 15.5 điểm trở lên.
Đối với các chương trình tiên tiến và chất lượng cao về Kinh tế đối ngoại: Mức điểm nhận hồ sơ phương thức kết hợp là tổng điểm 2 bài/môn thi THPT quốc gia năm 2019 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ) đạt từ 16 điểm trở lên.
Cũng trong chiều 15/7, trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố mức điểm sàn xét tuyển vào trường năm 2019 là 18 điểm. Mức điểm này bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển đối với các ngành có tổ hợp các môn tính hệ số 1.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân quy định với những ngành có tổ hợp môn tiếng Anh tính hệ số 2, các môn khác tính hệ số 1, quy về thang điểm 30 theo công thức sau: (điểm môn 1 + điểm môn 2 + điểm tiếng Anh x 2) x 3/4 + điểm ưu tiên.
Kết quả đăng ký xét tuyển đợt 1 tháng 4/2019, ĐH Kinh tế Quốc dân có tổng số 41.000 hồ sơ đăng ký, tăng 9.000 chỉ tiêu so với năm 2018. Năm 2019, ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh 5.650 chỉ tiêu, tăng 2,7% so với năm 2018.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT các trường phải điểm sàn xét tuyển (PV) trước ngày 22/7.