Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Khối thịnh vượng chung về nền kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam cần tuyển dụng thêm một triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu việc làm ngành CNTT và mở ra nhiều cơ hội việc làm. Xu hướng "nóng" về CNTT ở Việt Nam bao gồm trí tuệ nhân tạo, lưu trữ đám mây, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và công nghệ Blockchain. Các lĩnh vực quan trọng khác bao gồm Internet vạn vật, thương mại điện tử, quy trình kinh doanh và gia công phần mềm công nghệ thông tin.
Tiến sĩ Sixsmith cho biết thêm, dự báo đến năm 2020, tại Việt Nam sẽ có 50 triệu người dùng Internet và 90% dân số sẽ sử dụng smartphone với thời gian lên mạng rất nhiều, từ 25 tiếng một tuần. Đó chính là nền tảng rất quan trọng phát triển thương mại điện tử trong tương lai. Thực tế cho thấy, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang bùng nổ.
Hàng năm, số sinh viên học ngành CNTT ra trường rất nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn than thiếu lao động ở lĩnh vực này, nhất là những nhân lực có đầy đủ các kỹ năng về nghề nghiệp lẫn kỹ năng về xã hội. Thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông chỉ ra, có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại.
Bà Kate Dennis, chuyên gia truyền thông doanh nghiệp trường UTS Insearch, cho hay các nhà tuyển dụng trên toàn châu Á đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên CNTT đủ điều kiện để lấp đầy các vị trí tuyển dụng. Có 18 - 22% các tổ chức thấy khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên CNTT cấp trung.
“Thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) đã trở nên trầm trọng ngay trên toàn châu Á – nguồn nhân lực hiện có đủ đáp ứng cho công việc trên AI trên toàn cầu cũng chỉ dừng lại ở mức 300.000 người, trong khi nhu cầu là hàng triệu chuyên gia. Điều này có nghĩa là nhân lực công nghệ cao trong AI sẽ vẫn còn thiếu hụt trên toàn cầu trong tương lai gần”, tiến sĩ Sixsmith nói.
Để sinh viên ngành CNTT ra trường có thể xin được việc làm, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và có được một mức lương cao, bà Kate Dennis cho rằng, sinh viên ra trường bên cạnh kỹ năng cứng về ngành nghề CNTT thì đòi hỏi sinh viên phải trang bị cho mình thêm những kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, kỹ năng truyền thông và khả năng về tiếng Anh là rất quan trọng.