Đề thi bám sát chương trình

Kết thúc ngày thi thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, các giáo viên nhận định đề thi của bốn môn thi: Ngữ văn, Hóa học, Địa lý, Lịch sử đều có tính phân loại cao, bám sát chương trình sách giáo khoa hiện hành. Ở môn thi Địa lý, có câu hỏi được đánh giá là có tính thời sự. Đánh giá chung của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD - ĐT là: đề thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, vừa sức với học sinh, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân hóa trình độ của thí sinh.


Các thí sinh làm bài thi môn Địa lý tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Theo Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp, đề thi của cả bốn môn được bảo mật an toàn tuyệt đối đến khi chuyển đến từng thí sinh trong các phòng thi. Trong cả hai ngày thi, không có hiện tượng tung tin thất thiệt và không có ý kiến thắc mắc gì về đề thi. Đề thi Ngữ văn năm nay tiếp tục được ra theo hướng mở; đặc biệt, câu nghị luận xã hội được cho là thiết thực với thí sinh. Đề thi của các môn Địa lí và Lịch sử tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực của thí sinh và dư luận xã hội nói chung: nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với nội dung học tập và ôn luyện, đảm bảo vừa sức, kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân hóa trình độ của thí sinh. Đề thi không có sai sót và được đánh giá là có khả năng phân loại năng lực, trình độ người học.

 

Đề thi Văn, Địa lý được tán dương


Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Địa lý trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, đề thi Địa lý năm nay khá hợp lý, không khó và không đánh đố học sinh. Cái hay của đề là không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay học thuộc nhiều. Nếu các em biết vận dụng tốt Atlat sẽ thực hiện đề thi này rất tốt. Đề thi Địa lý năm nay cân đối giữa lý thuyết và kiểm tra kỹ năng. Tuy nhiên, phần về Địa lý tự nhiên hơi ít, chỉ là một ý nhỏ của câu 1 trong khi phần thi này chiếm 1/3 nội dung kiến thức chương trình học. Đề thi năm nay có tính phân loại cao, sẽ ít điểm cao trong khi điểm trung bình và khá chiếm nhiều.


Trước thực tế một số học sinh phải bỏ không làm được câu: “Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng?” và nói rằng không nằm trong chương trình, cô Nguyễn Thị Nga cho biết, câu này hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa Địa lý hiện nay. Nhất là ở phần bài “Phát triển kinh tế biển đảo”. Tuy nhiên, để làm được câu này, học sinh cần phải tư duy, chắp nối những bài học liên quan. Ví dụ, trong bài về tài nguyên thiên nhiên có nói về việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển đảo, nói về việc đánh bắt xa bờ. Vì vậy yêu cầu học sinh phải kết hợp kiến thức các bài lại. Nếu học sinh nào học thuộc lòng, học tủ, khó có thể làm được đề thi này. Học sinh nào nói không có trong chương trình là chưa ôn tập kỹ hoặc bỏ bài.


Hôm nay thí sinh tiếp tục làm bài với hai môn thi cuối cùng: Toán (buổi sáng, thi tự luận trong 150 phút) và Ngoại ngữ (buổi chiều, thi trắc nghiệm trong 60 phút). Ở những vùng khó khăn và trung tâm giáo dục thường xuyên, thí sinh được thi thay thế môn Ngoại ngữ bằng môn Vật lý. Cuối giờ chiều 4/6, mời độc giả xem đầy đủ đề thi, đáp án và thang điểm 6 môn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD - ĐT tại địa chỉ: www.baotintuc.vn.

TS Nguyễn Quang Trung, Tổ trưởng tổ Xã hội, THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đề thi môn Văn năm nay về cơ bản là đã bám sát kiến thức chương trình giáo dục THPT hiện hành. Đề thi không có những câu hỏi đánh đố, không quá khó cũng không quá dễ, không có những câu yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc. Có câu trong đề thi khá thú vị và hấp dẫn, đòi hỏi học sinh có sự sáng tạo. “Tôi đánh giá cao cách ra đề ở câu 1. Cái hay của đề là trích câu hay vừa cụ thể vừa khái quát ý nghĩa toàn bộ đoạn trích, gợi mở cho học sinh suy nghĩ về giá trị tư tưởng của tác phẩm. Ở câu 2, vấn đề được đưa ra gắn với thi cử, thiết thực với cuộc sống của thí sinh. Đây là vấn đề cần thiết cho mọi người, đặc biệt là các công dân trẻ đang chuẩn bị bước vào đời”.
Thầy Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh nhận định: đề thi Lịch sử năm nay có thể xem là khá an toàn cho học sinh trung bình và môn Lịch sử trở thành môn cứu nguy cho những thí sinh làm bài không tốt từ môn Văn và môn Địa lý. So với đề môn Văn và môn Địa lý thì đề thi môn Lịch sử chưa đạt được độ hay mà toàn là những kiến thức cơ bản, tuy nhiên cũng tránh được tình trạng học tủ của thí sinh. Với cách đặt câu hỏi của môn Lịch sử thì cũng đòi hỏi thí sinh phải tư duy và có những kiến thức lịch sử nhất định.


Đánh giá về đề thi môn Hóa học, cô Lê Thị Lan, giáo viên dạy Hóa trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, đề thi ở mức độ phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi không quá dài, khá nhiều câu học sinh có thể đọc và làm ngay nếu nắm vững kiến thức cơ bản. Ở một vài câu, các em thực hiện các bước trên máy tính cũng có thể cho ra kết quả ngay. Với những em có khả năng tính toán tốt thì những bước làm đề thi này sẽ không khó khăn. Ở mỗi đề thi, câu hỏi cần sự thông hiểu và vận dụng kiến thức. Vì vậy không phải cứ học thuộc lòng, học vẹt là sẽ làm được bài thi.

 

Lê Vân - Đan Phương - TTN

Tự tin sau hai ngày thi suôn sẻ
Tự tin sau hai ngày thi suôn sẻ

Sau khi làm bài thi bốn môn: Ngữ văn, Hóa học, Địa lý, Lịch sử, hôm nay (4/6), các thí sinh tiếp tục làm bài với hai môn cuối của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012: Toán, Ngoại ngữ. Thí sinh ở những vùng khó khăn và hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) sẽ được thi môn thay thế môn Ngoại ngữ là Vật lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN