Thí sinh cần đảm bảo việc đăng ký nguyện vọng trong thời gian quy định. Khi tham gia các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học, thí sinh cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.
Dù đã nhận được thông báo trúng xét tuyển sớm của trường ĐH, thí sinh vẫn phải chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nếu chưa tốt nghiệp THPT, thí sinh vẫn chưa trúng tuyển chính thức.
Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của thí sinh, dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Thí sinh cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo. Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, thí sinh sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường.Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, khi sắp xếp nguyện vọng trong hồ sơ đăng ký, thí sinh nên xếp các nguyện vọng yêu thích nhất, bản thân có năng lực, sở trường và đam mê nhất... lên trên. Nếu đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học, ngành học yêu thích rồi, thì với việc đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1, thí sinh chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Các trường nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh, sẽ thông tin để thí sinh nắm rõ. Còn trên phạm vi vĩ mô của toàn hệ thống, sẽ giữ ổn định trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh.