Đào tạo tài năng – Mô hình đặc sắc của Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học Quốc gia Hà Nội tập hợp được đội ngũ giảng viên giỏi, các nhà khoa học có uy tín tham gia vào đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao.

Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực trực tiếp trên máy tính tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo đã xác định quan điểm phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trong nhiều năm qua, để thực hiện tốt sứ mệnh này, tại Đại học Quốc gia hà Nội đã tiên phong xây dựng và hoàn chỉnh các mô hình đào tạo tài năng liên tiếp từ học sinh phổ thông năng khiếu đến đại học các hệ chất lượng cao, khoa học tài năng và chuẩn quốc tế. Trong đó, tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất là đào tạo hệ cử nhân khoa học tài năng.

* Đầu tư cho sinh viên tài năng gấp 4 lần hệ đại trà


Hiện nay, toàn Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đào tạo 30 ngành đại học các hệ đặc biệt (4 ngành tài năng; 17 ngành chất lượng cao; 3 ngành tiên tiến; 6 ngành đạt chuẩn quốc tế) và 6 chuyên ngành sau đại học đạt chuẩn quốc tế. Quy mô đào tạo hiện nay của sinh viên các hệ này so với hệ chuẩn, đại trà là 15,1%. Trong đó, sinh viên tài năng chỉ đào tạo ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên với 4 ngành là toán, vật lý, hóa học và sinh học với 263 sinh viên xuất sắc nhất của các ngành này đang theo học, đạt tỷ lệ 1,2 % so với hệ chuẩn.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Để bồi dưỡng nhân tài thì việc xây dựng chương trình đào tạo là vấn đề cực kỳ quan trọng. Chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế, tiếp cận và đáp ứng phù hợp 80% các môn học trong chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến, trong nhóm 100 trường đại học xếp hạng cao nhất thế giới. Chương trình này được thiết kế riêng đối với những sinh viên xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản, với 160 đến 170 tín chỉ, yêu cầu về trình độ cao hơn, nội dung rộng và sâu hơn so với chương trình chuẩn. Chuẩn đầu ra của chương trình cũng cao hơn chương trình chuẩn, ví dụ chuẩn đầu ra tiếng Anh là C1 (tương đương 6.5 IELTS). Ngoài việc trang bị kiến thức sâu rộng, sinh viên được nâng cao trình độ tiếng Anh và Tin học cũng như các kỹ năng mềm khác (yêu cầu của Đại học Quốc gia Hà Nội về chuẩn đầu ra là sinh viên tối thiểu có chứng chỉ 5 kỹ năng mềm/100 kỹ năng được định dạng đào tạo).

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: Đại học Quốc gia Hà Nội đã tập hợp được đội ngũ các thầy, cô giáo giỏi, các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia vào đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao. Một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới, từng đạt giải Nobel đã đến thăm, gặp gỡ, trao đổi với sinh viên các khóa đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên như: GS. James W. Cronin (Nobel 1980); GS. Klaus Von Klitzing (Nobel 1985); GS. Norman Ramsay (Nobel 1989); GS. Jerome Friedman (Nobel 1990). Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư cho sinh viên tài năng gấp gần 4 lần so với sinh viên hệ chuẩn đại trà. Hầu hết sinh viên tài năng được nhận học bổng (tương đương bằng mức học phí). Bên cạnh đó, giáo trình, bài giảng được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Nhiều môn học đã sử dụng giáo trình dịch hoặc nguyên bản bằng tiếng nước ngoài. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã dành kinh phí khá lớn cho việc mua các sách, tạp chí khoa học, tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đặc biệt cho các ngành tham gia đào tạo tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược.

Trong quá trình triển khai đào tạo các hệ đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã đầu tư được hệ thống trên 80 phòng thí nghiệm chuyên ngành hiện đại, hơn 60 phòng học chuẩn, hàng trăm nghìn học liệu, cử hàng nghìn lượt cán bộ, giảng viên đi trao đổi hợp tác với nước ngoài, thiết lập hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn trên địa bàn cả nước cũng như hợp tác với trên 200 cơ sở giáo dục đào tạo có uy tín trên thế giới. Phần lớn các học phần nâng cao đều được dạy theo phương pháp tích cực ở những mức độ khác nhau, có sử dụng các phương tiện hiện đại hỗ trợ, kết hợp giảng lý thuyết, thảo luận, thực hành. Đặc biệt, tất cả sinh viên những chương trình tài năng, chất lượng cao... đều tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ những năm đầu.

GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh: Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện một số phương thức mới, hiện đại để phát hiện và tuyển chọn được các học sinh giỏi trong cả nước vào học chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng các ngành toán học, vật lý, hóa học, sinh học. Hàng năm, trung bình Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển chọn từ 40 đến 70 sinh viên vào học 4 chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Các sinh viên được tuyển chọn vào học chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng hầu hết đã đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Olympic quốc tế hoặc là học sinh xuất sắc nhất của các trường trung học phổ thông.

*100% cử nhân tài năng được nhận học bổng nước ngoài


GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: Trong các chương trình đào tạo hệ đặc biệt của Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể đánh giá, hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Đại học Quốc gia Hà Nội có chất lượng và thành tích tốt nhất, được xã hội trong nước và quốc tế công nhận. 100% sinh viên hệ cử nhân khoa học tài năng và số đông sinh viên tốt nghiệp các hệ tiên tiến, chất lượng cao... đã nhận được học bổng để đi học thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài. Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong hai trường đại học của cả nước có nhiều sinh viên nhất được nhận học bổng của Vietnam Education Foundation (VEF) đi học thạc sĩ và tiến sĩ tại Mỹ. Các giáo sư nước ngoài trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ đánh giá rất cao năng lực của các sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Đến nay, nhiều sinh viên đã trở thành những cán bộ giảng dạy, những nhà khoa học trẻ xuất sắc ở trong và ngoài nước. Các sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng đạt trình độ ngang tầm quốc tế, nhiều sinh viên được công nhận kết quả học tập và được chuyển sang học tiếp ở Đại học Bách khoa Pari, nhiều sinh viên được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh ở các trường đại học Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Theo thống kê từ năm 2012 đến nay, trên 50% số nghiên cứu sinh của các ngành Khoa học Tự nhiên – Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội khi bảo vệ luận án tiến sỹ đều có bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Đặc biệt, chuyên ngành vật liệu và linh kiện nano, trung bình mỗi nghiên cứu sinh khi tốt nghiệp có 6 công bố, trong đó có 2 bài báo trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI. Em Trần Quốc Quân (sinh năm 1991), mới đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2 của Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa đã có 12 bài báo trên tạp chí quốc tế ISI và hầu hết các em có bài báo quốc tế khi làm nghiên cứu sinh đều đã từng là sinh viên hệ cử nhân khoa học tài năng. Có thể khẳng định, với những ngành đào tạo cử nhân tài năng như toán học, vật lý, sinh học, hóa học, chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội không thua kém các cơ sở đào tạo có danh tiếng ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm tới, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ mở rộng sang đào tạo kỹ sư tài năng ở một số lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ như khoa học máy tính, vật lý kỹ thuật, cơ học kỹ thuật, điện tử-truyền thông...

Trải qua gần 20 năm tổ chức đào tạo các hệ đặc biệt (từ năm 1997), khởi đầu từ cử nhân khoa học tài năng, rồi đến chất lượng cao và sau đó là các chương trình chuẩn quốc tế đã gắn liền với tên tuổi của Đại học Quốc gia Hà Nội. Mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao của Đại học Quốc gia Hà Nội sau đó đã được nhân rộng ở một số trường đại học của Việt Nam. Các chương trình đào tạo này đã góp phần quan trọng vào việc đưa lĩnh vực khoa học tự nhiên của Đại học Quốc gia Hà Nội vào top 100 các trường đại học của châu Á trong mấy năm vừa qua, cũng như góp phần vào việc nâng xếp hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào top 200 trường đại học hàng đầu của châu Á và đứng đầu trong bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam trong năm 2015.

Việt Hà (TTXVN)
Hiệu quả bước đầu của mô hình trường học mới ở Quảng Ngãi
Hiệu quả bước đầu của mô hình trường học mới ở Quảng Ngãi

Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi triển khai mô hình trường học mới bậc THCS ở 22 trường trong toàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN