Một trường học tại Quảng Ngãi. Ảnh: baoquangngai.vn |
So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, số lượng trường THCS ở Quảng Ngãi đăng ký triển khai khá đông. Mặc dù, gặp một số khó khăn về số lượng giáo viên, cơ sở vật chất cũng như nhận thức của phụ huynh, học sinh và xã hội còn hạn chế, nhưng qua một học kỳ thực hiện, bước đầu đã nhận được một số tín hiệu tích cực từ cơ sở.
Trường THCS Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa là một trong số 22 trường thực hiện mô hình trường học mới tại Quảng Ngãi. Năm học này, trường có 150 học sinh lớp 6 tham gia mô hình. Tại các lớp, học sinh được chia thành các nhóm, nên bàn ghế không kê thẳng hàng như trước đây, mà được chuyển thành từng nhóm thuận tiện cho việc học.
Mỗi nhóm có một nhóm trưởng. Mỗi bài học được thiết kế thành một chuỗi hoạt động của học sinh, gồm 5 bước: Khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng và tìm tòi mở rộng. Các em trong từng nhóm tự thảo luận, đưa ra câu trả lời theo từng chủ đề của tiết học. Giáo viên sẽ theo dõi, động viên và hướng dẫn hoạt động học của học sinh .
Em Nguyễn Trần Vinh, học sinh lớp 6A2 cảm nhận: Học theo nhóm rất có ích cho chúng em, các thành viên cùng nhau trao đổi ý kiến, sau đó chọn ra đề tài hay để phát biểu. Em thấy, học như vậy nhanh tiến bộ, vì trao đổi trước rồi giáo viên mới góp ý, chốt lại vấn đề sau. Như vậy, mình sẽ nhớ được lâu, chứ không phải theo kiểu rập khuôn là chép lời giáo viên rồi học thuộc. Hơn nữa, khi về nhà, ai cũng có ý thức tìm hiểu bài mới để hôm sau tham gia thảo luận cùng nhóm, mỗi người một ý kiến, bổ sung cho nhau sẽ ra ý kiến hay.
Với mô hình trường học mới thì mục tiêu, kiến thức không thay đổi so với chương trình cũ. Nhưng thay cho sách giáo khoa hiện hành, học sinh và giáo viên sử dụng chung một bộ tài liệu học tập dựa trên chương trình giáo dục hiện hành theo định hướng tích hợp. Bộ tài liệu gồm 8 môn học: Toán, ngữ văn, giáo dục công dân, công nghệ, tin học, khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Sinh học và Hóa học), khoa học xã hội (tích hợp môn lịch sử, địa lý), hoạt động giáo dục (tích hợp môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật).
Thay đổi cơ bản nhất trong mô hình trường học mới chính là phương pháp tổ chức dạy và học. Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Học sinh là người làm chủ, tự tìm tòi, lĩnh hội kiến thức.
Cô Bùi Thị Thuật, giáo viên trường THCS Nghĩa Lâm cho biết: “Ban đầu, khi triển khai mô hình này cũng gặp khó khăn, các em học sinh yếu khó theo kịp. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp cận, các em về cơ bản đã tiếp thu và tiến bộ hơn nhờ những giải pháp chúng tôi đưa ra như: Các bạn có năng lực trong nhóm kèm, hướng dẫn. Các em dành nhiều thời gian để tìm hiểu về bài đã học và bài mới, không chỉ học trong sách vở mà tìm hiểu thông tin trên Internet, người thân và xã hội. Tiếp đến, giáo viên giảng giải kỹ, sâu hơn để các em hiểu”.
Năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi triển khai thí điểm mô hình trường học mới tại 22 trường THCS với 70 lớp và 2.266 học sinh tham gia. Tuy một số trường gặp phải những khó khăn ban đầu, nhưng đến nay về cơ bản khó khăn đã được khắc phục dưới sự theo sát, hướng dẫn kịp thời của các cấp quản lý.
Bước đầu đánh giá từ cơ sở đã có sự đổi mới thực sự với mục đích tăng cường khả năng tự chủ hoạt động của học sinh. Sau hơn một kỳ học thực hiện mô hình này, chúng tôi nhận thấy về cơ bản giáo viên và học sinh đều theo kịp chương trình và đạt được những kết quả học tập tốt. Học sinh được tham gia đã năng động, mạnh dạn hơn trong việc tìm hiểu tài liệu, tham gia xây dựng bài học.
Kết quả học tập có phần khá hơn những lớp không tham gia mô hình. Vì vậy, tháng 12/2015 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tháo gỡ kịp thời những bất cập, lúng túng. Thu thập, phản ánh thông tin nhằm điều chỉnh bổ sung, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm ở những trường đã triển khai hiệu quả mô hình để có thể nhân rộng trong năm học 2016-2017.