Đắk Lắk xây dựng văn hóa nhà trường gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc

Ngày 30/12, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với sự tham dự của trên 200 đại biểu.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim K’đor phát biểu tại Hội thảo. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H Yim K’đor nhấn mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương thời gian tới là việc làm lâu dài. Do đó cần kiên nhẫn, kiên trì, thẳng thắn, nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và giảng dạy. Thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh cần có biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời, tìm giải pháp căn cơ khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân cho biết, hơn 10 năm thực hiện đổi mới, ngành Giáo dục tỉnh đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Giáo dục dân tộc được chú trọng. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được duy trì, phát triển, góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số. Đây cũng là nơi tạo nguồn nhân lực chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ngành Giáo dục Đắk Lắk đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu và không đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trường học kiên cố hóa vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học đã ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các nhà trường...

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân phát biểu đề dẫn Hội thảo. 

Bà Lê Thị Thanh Xuân nhấn mạnh, ngành Giáo dục tỉnh cần phát triển đội ngũ nhà giáo gắn với mục tiêu hoàn thành đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; có cơ chế chính sách phù hợp, huy động nguồn lục tập trung đầu tư hiệu quả giáo dục. Đồng thời, xây dựng văn hóa nhà trường gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy mạnh chuyển đổi số... để tự chủ, tự lực bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi về giải pháp khắc phục rào cản đối với giáo dục phổ thông tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển năng lực ngôn ngữ và văn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh tiểu học trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục STEM cấp tiểu học góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh... Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục phổ thông thời gian tới.

Đắk Lắk có gần 500.00 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông; 35.174 cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, nhân viên; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 87,3%. Đến năm học 2023 - 2024, tỉnh có 747 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 60,09%...

Tin, ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)
Từng bước tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Từng bước tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đánh giá kết quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những bài học kinh nghiệm”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN