Từng bước tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đánh giá kết quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những bài học kinh nghiệm”.

Chú thích ảnh
Một giờ kiểm tra của học sinh THPT Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận: Sau 4 năm chính thức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy có khó khăn, thiếu thốn, nhất là phải trải qua giai đoạn đại dịch COVID-19 nhưng đã đạt được một số thành quả nhất định.

Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương cho biết mục tiêu giáo dục ở các cấp đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phù hợp với đối tượng học sinh từng cấp học; góp phần hình thành, phát triển những yếu tố căn bản cho sự phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần, phẩm chất và năng lực cho trẻ. Chương trình chú trọng giáo dục những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt, giúp học sinh có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội nơi các em sinh sống.

Nội dung chương trình thể hiện được tính hiện đại, gắn với thực tiễn đất nước, có kết hợp lý thuyết với thực tiễn, có chú trọng hơn việc rèn luyện cho học sinh tính năng động, tư duy độc lập; có khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề; hợp tác làm việc theo nhóm, phù hợp với định hướng đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, khả năng tư duy, vận dụng sáng tạo của học sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Tuấn, Chi hội Cựu giáo chức Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ đã khẩn trương chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đến gần hơn với xu hướng của thế giới; tiến độ triển khai chương trình đúng kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, giáo dục STEM được triển khai chủ động trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông. Giáo dục hướng nghiệp và định hướng, phân luồng học sinh sau cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông tạo nguồn nhân học chất lượng cao, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Việc tổ chức biên soạn, dạy học giáo dục địa phương mang nhiều ý nghĩa, tạo phấn khởi cho học sinh và giáo viên.

Ông Phạm Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh sự đổi mới về phương pháp dạy học, cấu trúc chương trình, cách tiếp cận hiện đại, tiên tiến, linh hoạt, không khô cứng, bảo thủ như trước đây. Những kết quả này cần phát huy hơn nữa nhằm khẳng định tầm nhìn chiến lược của chương trình và tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục điều chỉnh thực hiện tốt hơn nữa trong các năm tiếp theo.

Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Những khó khăn vướng mắc trong công việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới từng bước được tháo gỡ. Kết quả cho thấy học sinh mạnh dạn hơn, dám thể hiện quan điểm của mình và có thêm những kỹ năng vượt trội, khả năng làm việc theo nhóm có tiến bộ rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số khó khăn, hạn chế cũng đã được các cựu giáo chức chỉ ra để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo Lương Tất Thùy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở Giáo dục và Đào tạo không có quyền tuyển dụng giáo viên; khâu tuyển dụng giáo viên vẫn khó. Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ vùng sâu, vùng xa và chính sách đặc thù cho học sinh miền núi, việc in ấn phát hành tài liệu địa phương cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Nhiều tỉnh, thành phố còn băn khoăn về nguồn kinh phí chi cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bà Vũ Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất: Cần tiếp tục công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là phụ huynh và học sinh để hiểu rõ về tính ưu việt, vượt trội, sự cần thiết thực hiện Chương trình và vai trò của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời đại công nghiệp 4.0. Giáo viên - một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Chương trình cần được quan tâm một cách đầy đủ về mọi mặt.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp tăng cường đầu tư, cải tiến cơ sở vật chất sẵn có; có phương pháp phù hợp để thực hiện bước chuyển giao những nội dung cần thiết cho học sinh từ cấp Tiểu học lên cấp Trung học Cơ sở và cấp Trung học Phổ thông; tổ chức tổng kết sau một thời gian triển khai thực hiện Chương trình để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Việt Hà  (TTXVN)
'Đòn bẩy' nâng chất lượng giáo dục phổ thông vùng đặc biệt khó khăn
'Đòn bẩy' nâng chất lượng giáo dục phổ thông vùng đặc biệt khó khăn

Nghệ An đang tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả dự án, chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN