Các sinh viên bị buộc thôi học tập trung nhiều nhất ở là các khoa: Nông-lâm nghiệp, Kinh tế, Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Sư phạm…
Một góc Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, số sinh viên dự kiến buộc thôi học và cảnh báo là do kết quả học tập kém, bỏ học từ năm 2013 trở lại đây. Việc cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học những sinh viên yếu kém có nhiều nguyên nhân, trong đó đa số sinh viên có điểm tích lũy quá thấp so với quy định (thấp dưới 1,0).
Một số trường hợp sau khi trúng tuyển, đã theo học một thời gian mới nhận ra ngành học không phù hợp, không có hứng thú học tập nên kết quả học tập thấp, bỏ học và dự thi vào các ngành khác. Một số sinh viên chưa nắm vững quy chế về đào tạo tín chỉ ở đại học, cao đẳng nên không có sự phấn đấu, nỗ lực học tập...
Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Tấn Vui cho biết: Đối với số sinh viên dự kiến buộc thôi học, cảnh báo nêu trên, trường yêu cầu các khoa làm việc với sinh viên (thông qua cố vấn học tập của mỗi lớp) để lấy ý kiến, nguyện vọng, giải pháp khắc phục của sinh viên bằng đơn cá nhân.
Sau khi xem xét sinh viên nào có nguyện vọng, động cơ học tập rõ ràng, nhà trường sẽ tạo điều kiện để các em tiếp tục theo học. Trước mắt các em phải chú tâm học tập nâng cao kết quả học tập ở các học kỳ kế tiếp.
Trường Đại học Tây Nguyên cũng đầu tư cơ sở trường lớp, phòng nghiên cứu, thực nghiệm, đội ngũ giảng viên, nội dung đào tạo và phương pháp giảng dạy nhằm thu hút người học. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cố vấn học tập để trực tiếp tư vấn, lên kế hoạch đăng ký và hướng dẫn sinh viên đăng ký môn học theo từng học kỳ, nắm chắc các sinh viên có biểu hiện bỏ học để có biện pháp cảnh báo.
Đại học Tây Nguyên sẽ thông báo kết quả học tập của sinh viên lên trang web của trường để sinh viên, gia đình được biết kết quả học tập của con em mình, đồng thời có trách nhiệm cùng với nhà trường nhằm động viên giúp các em có kế hoạch học tập tốt hơn.