Đại biểu Quốc hội: Chuyển từ miễn học phí sang tín dụng sư phạm chỉ là thay đổi về hình thức

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc chuyển từ miễn học phí sang tín dụng chỉ là thay đổi về hình thức. Để thu hút được người tài vào ngành sư phạm chính là cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, đây là một đề xuất hay của Ban soạn thảo. Bởi chính sách miễn giảm học phí thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, gây lãng phí khi nhiều sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm, không bố trí được việc làm trong ngành sư phạm thì lại chuyển sang làm ngành khác. Vì vậy, ngân sách đầu tư không đúng mục tiêu nên cần phải thay đổi.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho biết, việc chuyển sang tín dụng sư phạm là một điểm mới nhưng giải quyết bằng hình thức này chỉ là phần ngọn. Phần gốc của vấn đề chính là tạo cơ hội việc làm để những sinh viên sư phạm tốt nghiệp giỏi, ra trường có việc làm ngay. Đây mới chính là nút thắt cần phải gỡ để thu hút số lượng những học sinh giỏi ở phổ thông hiện nay lựa chọn học ngành sư phạm.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, việc chuyển sang quy định vay tín dụng là cách làm tích cực và cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc chỉ thay đổi phương thức từ miễn học phí cho sinh viên sư phạm sang tín dụng sinh viên, về khía cạnh là đầu tư của nhà nước thì hiệu quả, đúng đối tượng. 

Tuy nhiên, “Dù là tín dụng sinh viên hay miễn học phí đối với sinh viên sư phạm thì tôi cho rằng điều đó chưa đủ để tạo ra sức hút đối với trường sư phạm hiện nay”, ông Phạm Tất Thắng cho biết.

Ông Thắng dẫn chứng, từ mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017, điểm đầu vào các trường khối lực lượng vũ trang, đặc biệt là khối công an rất cao. Lý do là khi sinh viên vào các trường này sẽ được nhà nước, ngành trợ cấp tiền ăn, không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào, thậm chí còn được cấp quân trang, quân dụng, được nhà nước nuôi trong suốt quá trình học đại học. Khi ra trường, họ được nhà nước bố trí công việc theo đúng ngành nghề đã học và được hưởng mức lương, thu nhập cao. Vì vậy, các trường khối lực lượng vũ trang luôn có sức hút lớn và có điểm đầu vào cao trong những năm gần đây. Từ thực tế đó, ông Thắng cho rằng, ngành giáo dục đào tạo phải quan tâm và áp dụng thêm những chính sách để tạo sức hút trong việc tuyển sinh của các trường sư phạm.

Theo ông Thắng, sinh viên sư phạm ra trường có thể tính việc sắp xếp đầu ra, quan tâm đến môi trường làm việc của giáo viên sau khi ra trường gắn với chế độ đãi ngộ lương, phụ cấp, thu nhập, điều kiện làm việc… quan tâm đồng bộ nhiều yếu tố thì mới có thể tạo ra sức hút đối với các trường sư phạm

“Ngành giáo dục cũng phải cân nhắc từ bài học thực tiễn của ngành khác để lựa chọn những chính sách, giải pháp thích hợp, cần thực hiện ngay và có thể đưa vào trong Luật giáo dục sửa đổi lần này”, ông Thắng cho hay.

Trung Hiếu/Báo Tin tức
Bỏ quy định tăng lương giáo viên và miễn học phí, ngành giáo dục có mất nhân tài?
Bỏ quy định tăng lương giáo viên và miễn học phí, ngành giáo dục có mất nhân tài?

Sáng nay (29/5), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đọc tờ trình trước Quốc hội về dự án sửa đổi Luật Giáo dục trong đó có 2 nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm là bỏ quy định tăng lương giáo viên và miễn học phí sinh viên sưu phạm trong dự án luật. Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN