Cơ hội đi học nước ngoài luôn rộng mở

Việc ngừng tuyển sinh Đề án du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322) đã ảnh hưởng đến không ít đối tượng liên quan, thu hút nhiều người quan tâm và cần có phương án giải quyết hợp lý. Ông Nguyễn Xuân Vang (ảnh), Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về vấn đề này.

 

Ngoài vấn đề kinh phí, Đề án 322 chấm dứt còn có lý do nào khác, thưa ông?


Đề án 322 thực hiện từ năm 2000, trong giai đoạn 2 từ 2006 đến 2014 chỉ tiêu được gửi 2.000 người đi học. Đến nay, tổng số lưu học sinh đi học đã đạt chỉ tiêu trên nên không có cơ sở để được Bộ Tài chính cấp kinh phí cử thêm người đi học mới. Còn những người đang đi học thì vẫn được cấp kinh phí bình thường cho đến khi hết khóa học ở nước ngoài.


Đề án 322 mỗi năm được tuyển 400 người, gồm đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án, căn cứ nhu cầu đào tạo chung của đất nước trong những năm cuối thực hiện Đề án 322, đồng thời với mong muốn không làm gián đoạn việc cử người đi học nước ngoài, từ năm 2010 Bộ có chủ trương “gối” việc tuyển sinh đào tạo tiến sĩ của Đề án 322 vào Đề án 911 (cho đối tượng học tiến sĩ làm giảng viên, đã được phê duyệt song chưa được cấp kinh phí) và do đó đã tăng số lượng ứng viên đi học tiến sĩ để chuyển tiếp sang Đề án 911. Việc xác định tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ là có mục đích nối tiếp sang Đề án 911 song do một số thủ tục Đề án 911 chưa hoàn tất nên các chỉ tiêu đi học tiến sĩ “gối đầu” đã “chiếm dụng” bất đắc dĩ chỉ tiêu chung của Đề án 322.


Vậy kinh phí để giải quyết trường hợp “gối đầu” sẽ được giải quyết như thế nào?


Bộ GD - ĐT đang xin phép Chính phủ cho chuyển tất cả số giảng viên đi học tiến sĩ năm 2010 và 2011 theo Đề án 322 được chuyển sang nguồn kinh phí của Đề án 911 và như vậy sau khi được Chính phủ cho phép và trên cơ sở cân đối toàn bộ chỉ tiêu đào tạo, Đề án 322 hoàn toàn có khả năng bố trí cử nốt số ứng viên đại học, thạc sĩ đã trúng tuyển đi học mới trong năm 2012.


Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD - ĐT đang hoàn thiện dự thảo đề án mới tương tự Đề án 322 (trừ đối tượng giảng viên đi học tiến sĩ theo Đề án 911), và sẽ lấy ý kiến các cơ quan để trình Chính phủ trong tháng 6 này. Như vậy, sẽ có thêm một khả năng là khi đề án mới được phê duyệt, Bộ sẽ được cấp kinh phí để chuyển những người trúng tuyển còn lại đi học bằng nguồn đề án mới.

 

Ngoài ra các ứng viên còn có sự lựa chọn nào khác thưa ông?


Bộ GD - ĐT đang thực hiện tuyển sinh và phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài tuyển sinh cho các chương trình học bổng khác. Trước mắt, nếu có các chương trình học bổng khác mà ứng viên thấy có thể đăng ký chuyển sang đi học để tiết kiệm thời gian, có thêm cơ hội cho mình và giúp đỡ giảm tải kinh phí nhà nước, có thể liên hệ với Cục Đào tạo với nước ngoài để phối hợp xử lý trước ngày 1/6/2012.


Nếu ứng viên vẫn muốn đi học bằng ngân sách theo nguyện vọng cá nhân của mình, hoặc có nguyện vọng chờ các chương trình học bổng khác ưu việt hơn mới đăng ký chuyển nguyện vọng thì ứng viên có thể cập nhật thông báo nguyện vọng của mình để Cục tổng hợp và nghiên cứu, đề xuất xử lý ngay khi có thể tiếp tục thực hiện việc cử đi học bằng ngân sách hoặc đề cử ứng viên cho các học bổng nước ngoài cấp.


Ông có thể cho biết, đối tượng đang chịu ảnh hưởng của việc dừng đề án có nhiều không?


Hiện nay có gần 150 em thuộc đối tượng. Trong đó chủ yếu đối với 47 ứng viên đại học, chúng tôi xét thấy cần ưu tiên xử lý sớm để các em đi học vì thời gian từ lúc thi đại học đến nay đã gần 2 năm các em tập trung cho việc dự tuyển, chuẩn bị ngoại ngữ...


Còn số ứng viên thạc sĩ còn hơn 100 người chưa đi học, trong đó một số người đã chuyển sang các chương trình học bổng khác. Số lượng cụ thể những ứng viên có nhu cầu đi học theo các hướng cụ thể sẽ biết được sau ngày 1/6 này.


Các ứng viên không muốn hoặc không đủ khả năng để học thêm ngoại ngữ để chuyển sang chương trình khác, sẽ giải quyết thế nào, thưa ông?


Ứng viên có quyền lựa chọn các phương án đã đưa ra như đã nêu ở trên. Chỉ vướng nhất là ứng viên đại học. Đối tượng này nếu không đồng ý với các phương án, Bộ GD - ĐT sẽ ghi nhận để tìm hướng xử lý tiếp theo nếu có kinh phí và chương trình để cử đi học bằng ngân sách hoặc là sinh viên quay lại trường đại học Việt Nam học tiếp.


Thời gian qua, họ đã mất thời gian học ngoại ngữ nhưng Nhà nước cũng đã mất kinh phí cho họ học ngoại ngữ và họ cũng đã được trang bị đủ kỹ năng ngoại ngữ cần thiết. Cơ hội học ở nước ngoài đối với những đối tượng này vẫn còn và sau này họ có thể đăng ký đi học thạc sĩ ở nước ngoài, sẽ được ưu tiên khi xem xét vì họ đã một lần trúng tuyển đi học đại học nước ngoài.


Đối với ứng viên thạc sĩ, những người này đều đang làm việc ở các trường đại học, cao đẳng, cơ quan nhà nước, nếu năm nay họ không đi được thì năm sau họ có thể đi khi có đề án mới. Thời gian chuẩn bị ngoại ngữ của họ đâu có uổng phí. Trường hợp ứng viên đã, đang hoặc có nguyện vọng học thạc sĩ trong nước, sau đó mới đăng ký lại để xử lý thủ tục đi học tiến sĩ bằng ngân sách thì Bộ sẽ phối hợp và hướng dẫn giải quyết cụ thể.


Đối với ứng viên tiến sĩ (giảng viên) thì không ảnh hưởng gì vì tất cả đối tượng này sẽ đi học theo Đề án 911 năm 2012.


Xin trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Văn Cảnh (thực hiện)

Về việc tạm ngừng du học theo đề án 322: Hy vọng mọi ứng viên đều được “xuất ngoại”
Về việc tạm ngừng du học theo đề án 322: Hy vọng mọi ứng viên đều được “xuất ngoại”

Ngày 15/5/2012, những ứng viên đã vượt qua vòng xét hồ sơ, trúng tuyển học bổng theo Đề án 322 (du học bằng ngân sách nhà nước), nhưng chưa kịp đi học nước ngoài đột ngột nhận được thông báo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) về việc tạm ngừng du học theo đề án này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN