Tiếp tục một mùa thi với điểm chuẩn kỷ lục
Tính đến 16 giờ ngày 17/9, cả nước đã có hơn 300 trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển dựa vào phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Điểm chuẩn cao và tăng vọt so với năm trước tiếp tục diễn ra ở mùa tuyển sinh năm nay. Điểm cao nhưng không đỗ được vào ngành có nguyện vọng học khiến không ít thí sinh khóc ròng.
Đặc biệt, có những trường đại học có ngành lấy trên mức 30 điểm (thang 30 điểm đã cộng các điểm ưu tiên). Như vậy có thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhưng không ưu tiên vẫn không đỗ.
Cụ thể, ngành sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức có điểm chuẩn lên tới 30,5. Theo lý giải của lãnh đạo trường này, những ngành này có chỉ tiêu đào tạo rất ít, năm 2021 chỉ có 15 chỉ tiêu, trong khi lượng thí sinh nộp nguyện vọng xét tuyển cao gấp nhiều lần. Trong khi đó, thí sinh xét tuyển ngành này đều đạt trên 28, 29 điểm, cộng thêm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng, nên mới dẫn đến kết quả điểm chuẩn vượt ngưỡng tuyệt đối.
Ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có mức điểm chuẩn 30 (thang điểm 30) với khối C00. Đây là năm thứ hai trường tuyển sinh ngành này và lần thứ hai điểm chuẩn ở mức tuyệt đối 30/30 điểm. Ngành thứ 2 của trường này có mức điểm chuẩn 29,8 là Đông phương học cũng khiến nhiều thí sinh bất ngờ trượt nguyện vọng.
Hai trường trong khối các trường Công an nhân dân có mức điểm chuẩn cao gần tuyệt đối như: Học viện Chính trị Công an nhân dân, với điểm chuẩn ngành Xây dựng lực lượng công an nhân dân là 30,34 điểm (xét tuyển đối với nữ, ở khu vực phía Bắc, bằng tổ hợp khối C00); Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân là 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01; 29,84 điểm với thí sinh nữ ở địa bàn 2 (gồm các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ).
Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận sự lên ngôi của các ngành như khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kinh doanh, báo chí - truyền thông khi có mức điểm chuẩn dẫn đầu của nhiều trường top đầu như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Phát huy tính tự chủ tuyển sinh của các trường
Trước thông tin về việc điểm chuẩn các trường đại học tăng vọt có nguyên nhân từ việc đề thi dễ, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh hai năm gần đây cao hơn so với những năm trước. Điều này thể hiện rõ tính chất của kỳ thi này thay đổi như mục tiêu của Quy chế thi tốt nghiệp THPT đề ra. Nếu để ý sẽ thấy, kỳ thi trước đây là Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia ghi rõ đáp ứng tiêu chí tuyển sinh. Trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Bộ đưa ra hai năm nay đáp tương ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục tiêu tuyển sinh không còn ưu tiên và đẩy mạnh quyền tự chủ tuyển sinh của các trường".
Phân tích thêm về những nguyên nhân của việc điểm chuẩn tăng vọt còn có việc các trường đại học đã đa dạng của các phương thức tuyển sinh, PGS TS Bùi Đức Triệu cho rằng: “Năm nay, các trường đại học top đầu đều có thêm các phương thức tuyển sinh khác bên cạnh phương thức chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Có những trường tuyển được 70 - 80% ngay trong đợt 1. Do đó, điểm số của thí sinh không phải là nguyên nhân. Xu hướng đa dạng các phương thức tuyển sinh, phát huy quyền tự chủ tuyển sinh các trường là xu thế không thể đảo ngược trong mùa tuyển sinh này cũng như sắp tới”.
Trước thông tin về bảng điểm chuẩn của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khá cao và khoảng cách giữa điểm chuẩn cao nhất, thấp nhất không nhiều, PGS TS Bùi Đức Triệu cho biết: “Năm nay, bảng điểm chuẩn cao nhất, thấp nhất của trường hẹp đi một nửa so với năm ngoái. Lý do số nguyện vọng tăng lên nhiều, gấp 1,5 lần so với năm ngoái. Với việc xác định nguyện vọng như hiện nay xác xuất trúng tuyển cao hơn, tính công bằng trong việc tuyển sinh được đảm bảo".
Đồng ý với quan điểm về mục đích kỳ thi, PGS TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng điểm chuẩn tăng vọt như hiện nay không phải tất cả do đề thi mà do chủ trương của Bộ GD&ĐT về kỳ thi này là kỳ thi tốt nghiệp THPT và đề thi ra trong bối cảnh dịch bệnh. Do dịch bệnh nên phân bố điểm hai năm nay cao hơn so với những năm trước đây. Biết trước được tình huống này, các trường cũng có thêm những phương thức xét tuyển khác hoặc có kỳ thi riêng để tuyển được thí sinh phù hợp. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, đề thi sẽ có tính phân loại thí sinh tốt hơn.
Với những khối trường, ngành kỹ thuật, PGS TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết: "Có thể thấy có những ngành điểm chuẩn tăng rất cao nhưng có những trường, những ngành rất quan trọng điểm lại rất thấp. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có các ngành như: Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Tài nguyên và môi trường nước, Công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường đều có mức điểm chuẩn là 18 điểm.
Thực tế, các ngành như Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Kỹ thuật Vật liệu xây dựng của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chỉ có mức điểm chuẩn 16 điểm.
Theo PGS TSKH Vũ Hoàng Linh, tâm lý thí sinh đổ xô đăng ký vào các ngành hot vẫn còn. Ví dụ, những ngành về Công nghệ thông tin, Máy tính, Kinh tế, những ngành quản lý, quản trị có số lượng thí sinh đăng ký rất đông. Số nguyện vọng tăng lên đột biến, dẫn đến điểm chuẩn tăng. Đây là xu hướng của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số và tác động của dịch COVID-19. Những ngành nghề liên quan đến nền tảng công nghệ thông tin ít bị ảnh hưởng trong khi những ngành nghề khác ảnh hưởng nhiều trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo một chuyên gia tuyển sinh (xin giấu tên), mức điểm cao như hiện nay cũng không nên mừng về chất lượng thí sinh. Nếu mức điểm 25 như hai năm nay thì chỉ bằng 20 điểm của những năm trước. Chắc chắn các trường sẽ phải có những điều chỉnh phù hợp cho mùa tuyển sinh năm tới.