Sau thời gian triển khai đề án "Dạy và học các môn Toán, khoa học bằng tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" tại các trường công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đề án này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, để chương trình này phát triển và mang lại hiệu quả hơn thì cần phải xây dựng một lộ trình mang tính ổn định và lâu dài.
Phát triển 4 kĩ năng tiếng Anh
Theo Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh, vào học kỳ 2 năm học 2014- 2015, theo đăng ký của các quận huyện, Sở đã cho phép 18 trường tiểu học, THCS với khoảng 600 học sinh ở lớp 1 và lớp 6, thuộc các quận 1, 2, 5 thực hiện thí điểm đề án trên và 100% giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh tích hợp. Các trường tham gia không lệ thuộc vào các yêu cầu quá khắt khe về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học như chương trình Cambridge nên việc thực hiện khá dễ dàng.
Ông Lê Duy Tân, Phó Trưởng phòng giáo dục THPT (Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh) cho biết: Sau thời gian triển khai, nhìn chung các trường đều đánh giá tốt về chương trình và nhận được phản hồi tích cực của phụ huynh học sinh. Học sinh hai cấp đều khá hứng thú với chương trình, hăng say học tập. Các em được làm quen với chương trình cả về ngôn ngữ tiếng Anh cũng như kiến thực bộ môn toán, khoa học, đều đạt yêu cầu hoặc vượt yêu cầu của giai đoạn này. Một số học sinh chưa quen với phương pháp mới nhưng các em có thể tiến bộ theo thời gian.
Các giáo viên đánh giá, qua chương trình này đối với học sinh lớp 1 đã đạt được những chuẩn kiến thức như: Các em dần làm quen với ngôn ngữ tiếng Anh trong cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết ở mức độ cơ bản; có thể đọc và viết những câu ngắn, trao đổi bằng tiếng Anh với bạn và giáo viên bằng những mẫu câu quen thuộc. Đối với học sinh lớp 6 cũng đã phát triển khả năng ngôn ngữ ở cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc viết; củng cố và tăng cường các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp; sử dụng tiếng Anh một cách tự tin trong một số ngữ cảnh, đặc biệt là những thảo luận thường ngày trong lớp học; phát triển khả năng viết thông qua cách sử dụng từ vựng, dấu câu, cấu trúc câu phù hợp cũng như làm quen với các thể loại văn miêu tả, sáng tạo… Đặc biệt, học sinh được học đi đôi với thực hành qua các bài thí nghiệm trên lớp, xem video clip, cùng giáo viên đặt vấn đề, quan sát, phân tích, từng bước làm quen với phương pháp học khoa học tiên tiến.
Chương trình tiếng Anh tích hợp học sinh phát triển toàn diện cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. |
Cô Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận 5, cho biết: "Từ học kỳ 2, năm học 2014 - 2015, quận 5 đã triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp ở 4 trường tiểu học và 1 trường THCS. Chương trình đạt được sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên và học sinh. Với chương trình này các học sinh phát triển toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và mở rộng cả kiến thức khoa học xã hội thông qua tiếng Anh. Đặc biệt, các em không gặp quá tải khi tham gia học chương trình này. 100% giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy năng động, phát âm chuẩn, chú trọng cách dạy học nhớ để phát triển các kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, chương trình có cơ sở pháp lý chặt chẽ, thu chi cụ thể, không gây xáo trộn, không làm thay đổi cơ cấu giáo viên, giúp lãnh đạo các trường dễ dàng triển khai; tài liệu in đẹp, nội dung phù hợp".
Cần có lộ trình lâu dài
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai chương trình này vẫn còn nhiều khó khăn. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho biết: "Trường có 2 lớp tham gia với 55 học sinh, sau đó có 5 học sinh xin ra và có 33 học sinh khác tiếp tục xin vào. Theo yêu cầu sĩ số 35 học sinh/lớp thì bắt buộc trường phải bỏ bớt hoặc nhận thêm cho đủ sĩ số quy định. Nhưng nếu nhận thêm, đồng nghĩa trường phải tăng thêm phòng, điều này sẽ gây khó khăn cho trường. Chưa kể, tương lai trường phải nhận 3 đến 4 lớp đầu ra ở một số trường tiểu học thì chắc chắn trường sẽ gặp khó khăn về phòng ốc”.
Theo cô Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chương trình đào tạo của trường khá phức tạp, gồm chương trình chuyên, chương trình nâng cao, chương trình căn bản Sở nên tạo điều kiện cho trường làm việc trước với EMG Education để cùng nghiên cứu, tích hợp chương trình cho phù hợp với chương trình của trường. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục & Đào tạo cần sớm có chuẩn đầu ra.
“Quận 5 đã xây dựng đầu ra nhưng Sở nên sớm có hướng dẫn đầu vào lớp 6 để giáo viên, phụ huynh có sự chuẩn bị trước. Mặt khác cần đảm bảo liên thông ổn định, cần có hướng dẫn tập huấn cho giáo viên, hướng dẫn cách đánh giá kết quả học tập để tránh ảnh hưởng học sinh và các em tham gia cảm thấy có lợi”, cô Võ Ngọc Thu kiến nghị.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng: đây là chương trình mới nên phụ huynh chưa có nhiều thông tin và hiểu rõ về chương trình nên cần tăng cường công tác truyền thông đến phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên toàn ngành. Đồng thời, Sở Giáo dục cần xây dựng lộ trình mang tính lâu dài và ổn định đảm bảo tính liên thông của chương trình ở các bậc học để phụ huynh yên tâm khi đăng kí cho con em theo học.
Chương trình cần xây dựng lộ trình mang tính lâu dài và ổn định đảm bảo tính liên thông của chương trình ở các bậc học. |
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Trên cơ sở các trường Tiểu học, THCS, THPT có đủ điều kiện và có nhu cầu của phụ huynh và học sinh đăng kí tham gia chương trình tích hợp, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị tham gia đề án thống nhất giáo trình, thời lượng giảng dạy, kiểm tra đánh giá đảm bảo tính liên thông và liên tục cho học sinh. Dự kiến trong tháng 7 sẽ tập huấn về phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ cho giáo viên tham gia giảng dạy và giáo viên các phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường đăng kí tham gia chương trình này".
Cũng theo ông Hiếu, dự kiến trong năm học tới có 56 trường tiểu học, THCS thuộc các quận 1, 2, 3, 4, 5, 7, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình tham gia đề án này.
Bài và ảnh: Đan Phương