Mặc dù đầu tháng 7 các trường tiểu học ở Hà Nội mới tổ chức tuyển sinh vào lớp 1, nhưng thời điểm này, các câu lạc bộ “tiền tiểu học” hay chương trình “Sẵn sàng vào lớp 1” của một số trường tiểu học có tên tuổi của Hà Nội đã chính thức khởi động với số lượng học sinh rất đông đảo.Các chương trình “làm quen” Gần 1 tháng nay, thứ bảy nào chị Nguyễn Thị Hạnh (khu đô thị mới Dịch Vọng, Hà Nội) cũng cùng với cậu con trai đến trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart để tham gia câu lạc bộ “Bé sẵn sàng vào lớp 1”.
Tại đây, các bé được tham gia 3 hoạt động chính: Củng cố, phát triển kiến thức mầm non, giúp học sinh làm quen với môi trường hoạt động của tiểu học, giúp học sinh phát triển tư duy thông qua các hoạt động vui chơi, học tập; dạy cách tự phục vụ và tự ứng phó với các nguy hiểm khi xảy ra; các hoạt động ngoại khóa như: học tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục… với các giáo viên bộ môn trong trường. Với môn tiếng Anh, các bé được làm quen với thầy giáo người Anh đang dạy ở trường. Câu lạc bộ này kéo dài 3 tháng.
Giờ học của trẻ mẫu giáo lớp 5 - 6 tuổi, Trường Mầm non Cao Thắng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Quý Trung-TTXVN |
Chị Hạnh cho biết: “Vì muốn con vào học trường này nên tôi cho con làm quen với câu lạc bộ mà trường tổ chức. Với những trường có kiểm tra đầu vào như Thăng Long Kidsmart thì đa số phụ huynh đều phải cho con học chương trình này do chính trường đó tổ chức. Vì trong phần thi có các yêu cầu về kiểm tra kiến thức, kỹ năng mà chỉ ở các câu lạc bộ “tiền tiểu học” hoặc chương trình “sẵn sàng vào lớp 1” mới có.
Cũng tương tự, chị Thanh Vân (phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi muốn con học trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm nên bằng mọi giá tôi phải cho con tham gia chương trình “tiền tiểu học” của trường trước khi cháu vào lớp 1. Việc làm quen này giúp cháu tự tin hơn trong bài kiểm tra đầu vào của trường”.
Không nên tạo áp lực cho conMột đại diện trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart cho biết, từ vài năm nay trường đã triển khai hoạt động “Sẵn sàng vào lớp 1”, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Thậm chí có những phụ huynh vừa ra Tết đã chuyển hẳn cho con mình sang học hẳn hệ mầm non của trường để con làm quen với trường mới.
Tuy nhiên, về phía các phụ huynh, thì như chia sẻ của chị Cẩm Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Chương trình lớp 1 tôi thấy không có gì nặng nề, trong sách giáo khoa lớp 1 và sách bài tập của các cháu đều nhất quán về chương trình. Nhưng ở nhiều trường ngoài công lập thì áp lực đầu vào rất lớn, muốn vào trường phải trải qua kỳ thi với các nội dung thi mà các con không thể đỗ được nếu không tham gia các lớp học của trường. Chính vì vậy mà phải cho con đi học thêm, dù bản thân chúng tôi đều không muốn tạo áp lực cho con quá sớm. Theo tôi, bậc tiểu học là bậc phổ cập giáo dục, vì vậy hãy tạo cảm hứng để trẻ thích học, chứ không tạo áp lực học tập ngay từ khi các con chưa vào trường như vậy”.
Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Mục tiêu ban đầu của những lớp “tiền tiểu học” là ổn: Giúp các con làm quen với bước chuyển giao từ mầm non lên tiểu học. Nếu như ở bậc học mầm non có hình thức như một gia đình: các con coi nhau như anh chị em, cô giáo như người mẹ, các con có thể chạy nhảy thoải mái; thì khi lên tiểu học, các con sẽ phải gò vào kỷ luật và những quy định mới… Vì vậy, rất cần có một bước chuyển giao là lớp “tiền tiểu học”. Nhưng hiện nay, mục tiêu của những lớp này đã khác. Một số trường tổ chức lớp tiền tiểu học để thanh lọc học sinh. Nhiều bậc phụ huynh chấp nhận cho con đi học vì nghĩ rằng không học sẽ không thể đỗ vào lớp 1 của trường. Điều này sẽ có những hệ lụy không tốt là tạo áp lực cho trẻ quá sớm.
Theo quy định của Bộ GD - ĐT, các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình. Cùng với đó, xu hướng của Bộ cũng là giảm tải cho bậc tiểu học. Tuy nhiên, chính những sự “biến tướng” của các lớp “tiền tiểu học” này lại đang vi phạm những quy định nói trên. Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần vào cuộc, có những quy định cụ thể và nghiêm khắc hơn, để việc làm quen với lớp 1 thực sự là bước chuyển tiếp vui mà học cho trẻ.
Lê Vân