Cần có lộ trình thực hiện phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020

Đồng tình với phương án thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia sau năm 2020, nhưng một số ý kiến của chuyên gia, hiệu trưởng và học sinh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần có lộ trình chi tiết để triển khai kỳ thi này, nhất là việc kiện toàn khâu kỹ thuật để học sinh có thời gian làm quen.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, việc chuẩn bị ngân hàng đề thi là điều quan trọng nhất, vì các câu hỏi liên tục cập nhật và phải đảm bảo cho số lượng lớn thí sinh. Do đó, ngân hàng đề thi cần phù hợp với xu hướng này.  

Chú thích ảnh
Kỳ thi đánh giá năng lực được thi trên máy tính của ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở để Bộ GD&ĐT đề xuất phương án thi trên máy tính. Ảnh: ĐHQGHN.

"Chúng ta đang ở thời đại 4.0, nên việc đưa công nghệ vào thi cử là đương nhiên. Nhưng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa thì chưa áp dụng ngay được. Việc có lộ trình triển khai thi trên máy tính là cần thiết, nên thực hiện thí điểm, sau đó có đánh giá nghiêm túc phương thức thi này để áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước", GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết.  

Thầy Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng đồng tình với phương án thi THPT quốc gia trên máy tính. Bởi việc tổ chức kỳ thi giảm tải đi rất nhiều. Đồng thời, đánh giá được lựa chọn của những nhóm học sinh. Bây giờ, việc làm bài trên máy tính không còn xa lạ với học sinh. Ngay từ lúc đăng ký dự thi, các em cũng có hình thức đăng ký online hoặc việc tổ chức thi trên các phòng máy của nhà trường để thí sinh tiếp cận với cách thi trắc nghiệm.

Tuy nhiên, phương án thi này sẽ là trở ngại với những thí sinh ở nông thôn. Việc tiếp cận với máy tính ở miền núi phổ biến cũng ở phòng thực hành và không phải nơi nào cũng có phòng thực hành đầy đủ để học sinh thường xuyên tiếp cận. Do đó, cần có lộ trình để các địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, học sinh làm quen, thành thạo cách làm bài thi trên máy tính.  

Bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh còn phụ thuộc vào cách ra đề. Có không ít học sinh, sinh viên hiện nay không học đại học, mà có xu hướng đi du học, khi đó các nước cần có chứng nhận thì phải thực hiện như thế nào. Vì vậy, việc cấp bằng hay chứng chỉ, Bộ GD&ĐT cũng nên thận trọng và có cơ chế sử dụng bằng cấp...

Em Vũ Phương Thảo, lớp 11, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội thì tỏ ra ngạc nhiên trước hình thức thi tốt nghiệp hoàn toàn trên máy tính. Theo em Vũ Phương Thảo, bất cập lớn nhất có lẽ là chi phí cho một kỳ thi trên máy tính sẽ nhiều hơn kỳ thi hiện tại. Lợi ích mang lại là các thầy cô chấm nhanh hơn, khách quan hơn. Mỗi bạn một máy tính, một đề thi cũng giảm bớt sự gian lận.

"Nếu thực hiện đúng với lứa học sinh chúng em hiện nay thì hơi vội. Vì việc luyện thi và tiếp cận thành thục trên máy tính có nhiều khó khăn, may rủi. Chưa kể, các bạn ở những vùng khó khăn khó có điều kiện tiếp cận máy tính thường xuyên", em Vũ Phương Thảo nói. 

Lê Vân ghi/ Báo Tin tức
Diễn đàn thi THPT quốc gia sau năm 2020:  Giấy chứng nhận tốt nghiệp có đủ điều kiện học lên
Diễn đàn thi THPT quốc gia sau năm 2020: Giấy chứng nhận tốt nghiệp có đủ điều kiện học lên

Một trong những điểm mới trong phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 là thay vì nhận bằng tốt nghiệp THPT thì khi kết thúc lớp 12, những học sinh không có nhu cầu tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp không đỗ sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông. Điểm mới này cũng khiến các chuyên gia giáo dục băn khoăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN