Trong 4 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) đã yêu cầu các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) công bố chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra góp phần tạo nên thương hiệu và khẳng định chất lượng đào tạo của mỗi trường. Tuy nhiên, công bố chuẩn đầu ra ở nhiều trường vẫn dè dặt và chưa thể hoàn thiện về chất.
“Thương hiệu” không thể giống nhau
Theo ghi nhận, đến cuối tháng 6/2011 – hạn chót Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công bố chuẩn đầu ra - hầu hết các trường ĐH, CĐ, TCCN đã công bố chuẩn đầu ra trên website của trường mình. Tại những cơ sở đào tạo có bề dày thành lập trường, chuẩn đầu ra được xây dựng công phu, chi tiết đến từng chuyên ngành đào tạo. Sinh viên sẽ được biết mình phải tích lũy bao nhiêu kiến thức bắt buộc, bao nhiêu kiến thức cần bổ sung nâng cao và các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để được cấp bằng tốt nghiệp. Họ cũng được biết với tấm bằng đó, khi ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng đến đâu, thích hợp với công việc gì, kể cả thu nhập tối thiểu lúc bắt đầu được tuyển dụng. Tuy nhiên, chuẩn đầu ra của nhiều trường về những ngành như: Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Điện gia dụng, Điện lạnh, Quản trị - Kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Du lịch, … đều giống nhau, trong khi mỗi trường có điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng và số lượng giảng viên khác nhau.
Còn tại Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức năm 2011, Bộ GD-ĐT thống kê: Có tới 57% sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ phải học thêm nghề khác, vì đến lúc đó họ mới phát hiện mình không phù hợp với chuyên môn đã học; 50% sinh viên đang học ĐH, CĐ không hứng thú với ngành nghề mình đã chọn; 37% sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ không tìm được việc làm, vì ngành nghề mà các sinh viên được đào tạo ở thị trường lao động đã bão hòa. Những khảo sát về chuẩn đầu ra cũng như thực tế đào tạo theo nhu cầu xã hội cũng không được Bộ GD-ĐT công bố. Nhiều trường vẫn đang loay hoay với việc công bố chuẩn đầu ra, bởi các điều kiện để công bố còn quá thấp so với chất lượng đào tạo cần hướng tới.
Chuẩn đầu ra gắn với nhu cầu xã hội
Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ tổ chức vào giữa tháng 2/2012, sau khi nghe báo cáo tổng kết nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH, CĐ năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục phải xác định được chuẩn đầu ra, trên cơ sở đó sẽ rà soát lại chương trình nội dung đào tạo. Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khi đề cập đến chất lượng đào tạo bậc đại học. Hiện nay, đã có bao nhiêu trường công bố chuẩn đầu ra, hoàn thiện đến đâu cũng chưa thấy Bộ nói đến.
Việc công bố chuẩn đầu ra của các trường phải dựa trên các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên, năng lực về tài chính. Đây chính là những điều kiện mà Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải “ba công khai”. Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Văn Uy, Hiệu trưởng trường ĐH Hàng Hải, Hải Phòng cho biết: “Trường đã thực hiện công bố chuẩn đầu ra nhưng chưa thể hoàn thiện về nội dung. Với môn ngoại ngữ có thể công bố chuẩn rõ ràng, nhưng không thể công bố chuẩn tay nghề. Không có căn cứ cụ thể thì sẽ rất khó xác định. Trong khi việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất trong nhà trường có ngành còn chưa thể bắt kịp với công nghệ hiện đại của xã hội”.
Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng: “Xây dựng chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội là cơ sở để xây dựng chương trình chuẩn. Có những ngành yêu cầu phải sử dụng công nghệ cao, thiết bị máy móc hiện đại, đào tạo theo yêu cầu xã hội thì chương trình đào tạo phải khác, chuẩn đầu ra cũng phải khác những ngành khác”. Trong khi đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường còn rất hạn chế, “muốn xây dựng được chuẩn đầu ra cho các ngành cần có những giải pháp mạnh mẽ về đầu tư con người, giáo viên, cơ sở vật chất” - ông Đặng Kim Vui nhấn mạnh.
Lê Vân