Các bước ‘lấy điểm' trong bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2022

Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất, cũng là môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hiền, Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm giúp học sinh nhận được điểm cao trong môn thi này.

Video cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hiền chia sẻ các bước làm bài thi môn Ngữ văn để lấy điểm cao: 

Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hiền hướng dẫn:

Về cấu trúc và thời gian làm bài: Đề thi minh họa năm nay không khác so với đề thi của những năm trước. Thời gian làm bài vẫn là 120 phút, cấu trúc đề thi gồm 3 phần: Đọc – hiểu với 4 câu hỏi theo cấp độ từ dễ đến khó như: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Ở phần này có mức điểm tối đa là 3,0 điểm; Nghị luận xã hội về 1 tư tưởng đạo lý hoặc 1 hiện tượng đời sống: Viết đoạn văn 200 chữ với mức điểm tối đa là 2,0 điểm; Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích 1 đoạn văn bản (thơ/tuyện/kí/kịch/văn chính luận), có trích dẫn văn bản và yêu cầu nâng cao với mức điểm tối đa là 5,0 điểm.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hiền, để làm tốt bài thi môn Ngữ Văn, trước hết, thí sinh cần cân đối thời gian làm bài phù hợp cho từng phần: Đọc – hiểu: 15 phút; Nghị luận xã hội: 20 phút; Nghị luận văn học: 80 phút. Các em nên có 5 phút cuối để kiểm tra lại toàn bộ bài làm, sửa chữa, bổ sung những chỗ còn thiếu hoặc sai sót.  

Về phương pháp làm bài, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền hướng dẫn cụ thể 3 phần như sau: 

1. Đọc – hiểu

Câu 1 (Nhận biết): Học sinh phải xác định thể thơ/phong cách ngôn ngữ/phương thức biểu đạt/thao tác lập luận… . Các em cần phân biệt kiểu câu hỏi “Phương thức biểu đạt” và “Phương thức biểu đạt chính” cách trả lời sẽ khác nhau. Học sinh cần chỉ ra các chi tiết/hình ảnh… (Dựa vào văn bản tìm và trích dẫn chính xác là được điểm). 

Câu 2 (Thông hiểu): Các em chỉ ra và phân tích hiệu quả trong đoạn (câu) văn/thơ sau…; Hình ảnh… được miêu tả như thế nào…?

Câu 3 (Vận dụng):  Anh/chị có đồng ý với ý kiến… không? Vì sao? Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị qua đoạn trích?

Theo cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hiền, để làm tốt phần đọc – hiểu này, thí sinh cần nắm chắc kiến thức về thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp tu từ… Đặc biệt, các em không nhầm lẫn giữa các đơn vị kiến thức này với nhau; Các em cần trả lời ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề. Ở phần này, cán bộ chấm sẽ chấp nhận cách trả lời gạch đầu dòng; Các em cần tránh viết mỗi câu thành một đoạn văn vừa dài dòng mất thời gian vừa không tìm thấy từ khóa để cho điểm.

Câu 4 (Vận dụng): Các em có thể viết thành đoạn văn ngắn (5 - 7 dòng) trình bày ý kiến rõ ràng, lý giải hợp lý, lập luận thuyết phục. Ở phần này các em thể hiện được "Đồng tình hay không đồng tình?" và phải "Lý giải vì sao?".

2. Nghị luận xã hội 

Các em cần phân biệt được đoạn văn (bắt đầu từ chỗ lùi vào một chữ, viết hoa đầu dòng và viết liên tục cho đến khi chấm hết, không xuống dòng)/bài văn; Phân biệt được kiểu bài Nghị luận xã hội về 1 tư tưởng đạo lý/ Nghị luận xã hội về 1 hiện tượng đời sống vì hai kiểu bài này có cách triển khai các bước trong đoạn khác nhau.

Các em cũng cần nắm chắc kĩ năng viết đoạn Nghị luận xã hội gồm 200 chữ với độ dài khoảng 2/3 trang giấy thi, không được ngắn hơn 1/2 trang và dài quá 1 trang. Khi viết, các em lùi vào một chữ, viết hoa đầu dòng và viết liên tục cho đến khi chấm hết không được xuống dòng.

Ở phần Nghị luận xã hội về tương tưởng đạo lý các em phải đảm bảo các bước: Giới thiệu vấn đề; Giải thích; Bàn luận; Phản đề; Bài học. Ở phần Nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống các em phải đảm bảo các bước: Giới thiệu vấn đề; Giải thích; Thực trạng; Nguyên nhân; Hậu quả; Giải pháp; Bài học. Các phần này yêu cầu các em lập luận chặt chẽ; lý lẽ sắc bén; dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu, thuyết phục. Đồng thời, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, trình bày sạch đẹp, tránh gạch xóa.

3. Nghị luận văn học

Với phần này, thí sinh phải nắm chắc kiến thức của tất cả các tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn 12 (trừ những phần đã được giảm tải); sắp xếp khoa học theo chuyên đề (Văn chính luận, Thơ, Truyện, Kí, Kịch…); theo thời gian (chống Pháp, chống Mỹ, sau 1975…); Nắm chắc kĩ năng làm kiểu bài “Nghị luận về một đoạn thơ/đoạn trích văn xuôi”.

Các em nên chia thời gian, dành 5 phút cho mở bài, 70 phút cho phần thân bài và kết bài là 7 phút.

Mở bài gồm 1 đoạn văn (giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích, vấn đề nghị luận).  

Phần thân bài gồm nhiều đoạn văn (đoạn giới thiệu chung về tác phẩm/nhân vật, vị trí đoạn trích trước khi đi vào phân tích đoạn văn bản đề bài yêu cầu; trong đoạn văn bản ở đề mỗi luận điểm lớn lại triển khai thành từng đoạn nhỏ; đoạn đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật sau khi phân tích xong; đoạn giải quyết ý nâng cao của đề…).

Phần kết bài gồm 1 đoạn văn đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật, liên hệ mở rộng. Các em cần chú ý quy tắc “đầu – cuối” tương xứng giữa mở bài và kết bài.  

Các phần này yêu cầu các em trình bày bài văn sáng rõ, khoa học, sạch đẹp, hạn chế tối đa mắc lỗi chính tả, diễn đạt, lỗi viết câu... Các em tránh viết 1 đoạn văn rất dài rồi lại gạch đi viết lại, vừa mất thời gian vừa gây mất thiện cảm với giám khảo chấm thi. 

Lê Vân-Lê Phú/Báo Tin tức
Bảo đảm công bằng, minh bạch trong chấm thi tự luận môn Ngữ văn
Bảo đảm công bằng, minh bạch trong chấm thi tự luận môn Ngữ văn

Đến thời điểm này, công tác chấm thi tự luận môn Ngữ văn tại nhiều Hội đồng thi trên cả nước cơ bản đã hoàn tất. Trong đó, ghi nhận thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối ở môn thi này; một số thí sinh đạt 9,75; 9,25 điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN