Thí sinh có tới 4 giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển có dẫn đến nhiều thí sinh ảo, gây khó cho các trường không? Miễn thi ngoại ngữ liệu có công bằng?… Đây là những băn khoăn của thí sinh, nhà tuyển sinh trong những ngày qua, sau khi quy chế chính thức được ban hành. Thí sinh vẫn còn lúng túng trước một số điểm nêu trong quy chế tuyển sinh mới ban hành. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Nỗi lo thí sinh ảoTheo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả. Khi xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi thứ nhất để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được đăng ký ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. Để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh dùng 3 bản chính còn lại. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Về quy định này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT khẳng định: Quy định mới của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đem lại nhiều thuận lợi cho thí sinh. Nếu như các năm trước, thí sinh có 3 nguyện vọng xét tuyển, thì năm nay, cơ hội lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, theo quy định năm nay, đến khi có kết quả thi, các thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ; do đó có cơ sở để lựa chọn ngành trường phù hợp với kết quả thi của mình.
Tuy nhiên, thí sinh và nhà tổ chức tuyển sinh xem ra chưa “thông” lắm với cách sử dụng giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh. Một chuyên gia tuyển sinh Học viện Bưu chính Viễn thông phân tích: Theo quy định, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi thí sinh có thể đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường. Như vậy, 4 giấy chứng nhận kết quả thi thí sinh có thể đăng ký tối đa 16 ngành của 4 trường khác nhau trong những đợt thi khác nhau. “Tuy nhiên, giấy chứng nhận kết quả thi liệu có ghi là đợt xét tuyển bổ sung thứ bao nhiêu, hay chỉ đơn thuần là chỉ chứng nhận cho thí sinh. Thí sinh ảo chắc chắn sẽ nhiều nếu không được làm rõ trong giấy chứng nhận kết quả. Bên cạnh đó, theo quy định, trong thời gian 20 ngày xét tuyển đợt 1, thí sinh được phép rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác; đồng thời cứ ba ngày một lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp để thí sinh theo dõi và lựa chọn. Chỉ riêng quy định này đã thấy khối lượng công việc các trường phải lo là rất nhiều”.
Đưa ra giải pháp, vị chuyên gia này khẳng định: Nên khống chế mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) vào một trường, để hạn chế thí sinh ảo. Như vậy, thí sinh cũng đỡ vất vả mà công việc vào máy của trường tránh được nhầm lẫn. Thực tế, tôi vẫn chưa hình dung phần mềm mà Bộ GD - ĐT nói là lọc được thí sinh ảo sẽ ra sao. Chúng tôi chưa được tận mắt hoặc sử dụng phần mềm này”.
Chứng chỉ ngoại ngữ = 10 điểm? Một trong những điểm mới của quy chế thi THPT quốc gia là thí sinh có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD - ĐT được miễn thi môn ngoại ngữ và được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nếu xét tuyển, các trường ĐH, CĐ cũng lấy kết quả này. Đây là điều không ít trường ĐH, CĐ tỏ ra lo ngại.
PGS TS Văn Như Cương, hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn có xếp loại, nên nếu đánh đồng điểm 10 cho những bằng cấp khác nhau là không công bằng cho thí sinh. Đánh đồng một học sinh đạt giải Olympic quốc tế với một học sinh chỉ đạt chứng chỉ loại B1, B2… là chưa hợp lý. Nếu quy định này vẫn giữ nguyên, các trường ĐH, đặc biệt chuyên ngành ngoại ngữ sẽ tìm một phương tức xét tuyển khác (thi chẳng hạn) để lọc thí sinh một cách thực chất. Bên cạnh đó, chuyện miễn thi ngoại ngữ có thể dẫn đến tình trạng mua chứng chỉ, đây mới là điều đáng lo ngại nhất”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xem xét và có thể sẽ không công nhận một số chứng chỉ ngoại ngữ như bằng B1, B2… chỉ công nhận bằng do một số chương trình quốc tế cấp. Bởi không công bằng khi đánh đồng các trình độ khác nhau”.
Một điều khiến nhiều thí sinh băn khoăn là trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, Bộ GD - ĐT không ghi thời hạn nhận hồ sơ và kết thúc các đợt xét tuyển của các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, thí sinh vẫn chưa biết ở cụm thi nào. Dù ở dự thảo quy chế, Bộ GD - ĐT cho biết sẽ có 34 cụm thi trên cả nước. Nhưng trong quy chế chính thức mới ban hành không hề có thông tin này. |
Còn một giảng viên ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: “Việc mua chứng chỉ thật của các trung tâm ngoại ngữ uy tín là điều khó. Nhưng chứng chỉ thì có thể mua dễ dàng từ các trung tâm khác. Hãy thử vào mạng Internet và tìm kiếm, sẽ thấy những lời mời hấp dẫn như: Làm chứng chỉ B1, B2 châu Âu hoặc TOEIC, TOEFL, IELTS trong thời gian chỉ 10 ngày, vậy nên nếu “đánh đồng” các chứng chỉ và cho điểm 10 tuyệt đối là bất hợp lý”.
Giải đáp vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết: “Việc miễn thi ngoại ngữ chỉ dành cho xét tốt nghiệp THPT, còn xét tuyển môn ngoại ngữ là theo quy định riêng của các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, theo Công văn 6031 về việc điều chỉnh, bổ sung miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp ngoại ngữ THPT là A2, nhưng trong quy chế mới công bố, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ cao hơn 1 bậc, là từ B1. Chứng chỉ này do các trung tâm khảo thí quốc tế cấp. Như vậy, việc đưa ra chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ B1, B2… là hợp lý”.
Theo một số chuyên gia tuyển sinh, quy chế mới ban hành cho thấy Bộ GD - ĐT đã có sự tiếp thu ý kiến từ dư luận xã hội, từ thực tế. Tuy nhiên, dễ dàng thấy một vài điểm chưa chặt chẽ từ quy chế và lại là những điểm liên quan mật thiết đến quyền lợi của thí sinh. Nên cả học sinh cũng như các nhà tuyển sinh đang mong đợi những hướng dẫn cụ thể hóa từ Bộ GD - ĐT.
Lê Vân (thực hiện)