Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ‘Chương trình tốt đến mấy cũng không phát huy được nếu đơn vị thực hiện chưa sẵn sàng’

Chiều 9/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với các điểm cầu trên khắp cả nước. Hội nghị chỉ ra bốn điểm nổi bật trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới và thảo luận đề ra các mục tiêu trong 3 năm tới (2019 - 2021).

Chú thích ảnh
Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có hai yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến thành bại của chương trình, đó là giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp. Chương trình tốt đến mấy cũng không thể phát huy được nếu các đơn vị thực hiện chưa sẵn sàng. Thành bại hay không là từ đây nên rất cần các Sở GD&ĐT cùng nhau đóng góp ý kiến, chia sẻ khó khăn để sớm đổi mới GDPT.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần các Sở GD&ĐT chia sẻ khó khăn để sớm đổi mới giáo dục phổ thông.
Sau khi công bố chương trình các môn học mới, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88 Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa để kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020 -2021.

Theo Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, PGS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, chương trình GDPT mới đã thay đổi căn bản trong mục đích giảng dạy, đó là chuyển từ nền giáo dục đặt nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện năng lực phẩm chất: “Từ học xong biết được gì thành học xong chúng ta làm được gì”. Chương trình mới cũng thay đổi cách xây dựng chương trình học ở nhà trường, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn cung cấp kỹ năng sống, đồng thời đề ra các giải pháp phát triển năng lực học sinh.

Chương trình GDPT mới cũng tập trung vào vấn đề giảm tải chương trình học, bởi đây luôn là yêu cầu cấp thiết của các bậc phụ huynh và các em học sinh, giảm tải để bớt vất vả mà hiệu quả tốt hơn. Dựa trên 6 nguyên nhân gây ra sự nặng nề trong chương trình học, chương trình giáo dục mới đề ra các 6 “giảm tải”. Giảm số môn học, giảm số tiết học, chọn lọc kiến thức thiết thực, dạy học phân hoá, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới cách đánh giá kết quả.

Chương trình GDPT mới bao gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình GDPT mới sẽ có nhiều điểm khác so với chương trình giáo dục hiện hành. Trong đó, đáng chú ý, về mục tiêu giáo dục, chương trình GDPT mới sẽ chuyển từ nền giáo dục nặng về kiến thức sang nền giáo dục hướng đến phát triển con người toàn diện, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong Chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn…

Bên cạnh đó còn có một số điểm khác biệt liên quan đến số tiết học ở mỗi cấp và các chuyên đề học tập theo lựa chọn.
Huyền Vy/TTXVN
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu áp dụng với lớp 1 từ năm học 2020-2021
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu áp dụng với lớp 1 từ năm học 2020-2021

Tại cuộc họp báo công bố nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới, chiều 27/12, đại diện Ban soạn thảo chương trình cùng lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới như: những điểm mới của chương trình; lộ trình thực hiện; công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất; vấn đề sách giáo khoa…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN