Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, trước mắt để giải quyết tình trạng trường lớp học quá tải trong năm học 2018 - 2019, quận đã cấp kinh phí cho 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 3 trường trung học cơ sở sửa chữa, tu bổ, cải tạo thêm phòng học.
Năm học tới, quận Cầu Giấy sẽ xây mới 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở tại phường Yên Hòa. Dự án đã được phê duyệt và thông qua thiết kế, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2020 - 2021. Với bán kính của quận chỉ khoảng 1 - 1,5 km nên sẽ giải quyết được một phần vấn đề quá tải tại một số phường khác.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, đối với cấp Tiểu học, quận sẽ tăng số giáo viên dự trữ, cho phép các trường được ký hợp đồng với giáo viên để giảm bớt áp lực và nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu một số trường có sĩ số học sinh cao, nếu thiết kế cho phép sẽ nâng tầng hoặc xây thêm các đơn nguyên, bổ sung phòng học.
Xây thêm trường để giảm bớt sĩ số học sinh cũng là giải pháp trước mắt của quận Tây Hồ. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho biết, theo “Đề án phát triển mạng lưới trường học quận Tây Hồ giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đến năm 2020, quận phải có 27 trường công lập. Hiện nay, toàn quận đã có 25 trường, chỉ còn 2 trường nữa sẽ thực hiện vào năm học 2019 – 2020 là trường Tiểu học Chu Văn An và trường Mầm non Nhật Tân.
“Năm 2019, chúng tôi tiếp tục nâng cấp và mở rộng 9 trường, trong đó có 4 trường mở rộng với quy mô lớn như Trung học cơ sở Chu Văn An có tổng mức đầu tư là 218 tỷ đồng, Trung học cơ sở Nhật Tân 110 tỷ đồng, Tiểu học Phú Thượng 45 tỷ đồng…”, ông Lê Hồng Vũ cho biết thêm.
Một số quận như Nam Từ Liêm, Hoàng Mai cũng đã xây dựng kế hoạch xây mới, cải tạo trường cho các cấp học, nỗ lực đảm bảo số mét vuông/học sinh và số giáo viên trên lớp.
Cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền
Mới đây, UBND quận Tây Hồ khởi công xây dựng hai trường tại phường Tứ Liên sau rất nhiều năm gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng, học sinh phải chia ca học nhờ ở đình làng. Mặc dù khu đất đã được quy hoạch để xây trường từ nhiều năm trước, song do người dân dựng lều, dựng nhà tạm ở trong suốt nhiều năm nên việc di dời gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ chia sẻ: Để có đất xây trường không hề dễ dàng. Kinh nghiệm của chúng tôi là cứ thấy chỗ đất nào trống là phải xây đã, sau đó mới mở rộng dần theo từng giai đoạn, chứ không chờ có mặt bằng lớn mới làm. Phải có tầm nhìn rất xa và phải biết bảo vệ chỗ đất định xây dựng trường để dần đưa vào quy hoạch, chứ để dân lấn chiếm rồi thì rất khó sau này.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự đồng thuận của người dân, biến tiếng nói của cử tri thành sức mạnh tổng hợp cũng là một trong những yếu tố quan trọng. “Năm học 2019 - 2020, quận Tây Hồ sẽ có thêm một trường mầm non mới được xây dựng trên địa bàn phường Bưởi.
Đây là khu đất đã được giao cho một công ty xây dựng, sau đó, với kiến nghị của cử tri, khu đất đã bị thu hồi và giao lại cho quận Tây Hồ xây dựng trường. Đó là sự quan tâm rất lớn của thành phố Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục”, ông Lê Hồng Vũ vui mừng cho biết.
Luôn dành sự quan tâm, đầu tư khá lớn cho giáo dục, riêng năm học 2017 - 2018, thành phố Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học, chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách.
Toàn thành phố xây dựng được 66 trường học và hơn 22.0000 phòng học mới. Trong năm 2018, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp học với kinh phí khoảng 3.276 triệu đồng.
Cũng trong năm 2018, toàn thành phố cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa với kinh phí khoảng 1.846 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới đã gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, để khắc phục tình trạng quá tải trường lớp học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Trong đó, Sở đề xuất đến năm 2030, toàn thành phố cải tạo và xây mới 1.557 trường học gồm xây mới 1.275 trường, cải tạo 282 trường. Vốn đầu tư cho việc cải tạo xây mới này dự kiến lên tới 74.000 tỷ đồng.
Thiết nghĩ, việc giải quyết tình trạng quá tải trường lớp học trên địa bàn Thủ đô không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà là còn của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Dành ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục là hết sức cần thiết bởi đó chính là sự đầu tư cho tương lai của cả một xã hội, cả một dân tộc.