Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, cấp Tiểu học toàn tỉnh có 5.001 lớp học với trên 206.000 học sinh, bình quân 41,2 học sinh/lớp. Các địa phương như Dĩ An (bình quân 45 học sinh/lớp), Bến Cát (47,7 học sinh/lớp), Tân Uyên (43,4 học sinh/lớp) và Thuận An (42,9 học sinh/lớp) đều vượt quá quy định 35 học sinh/lớp của Bộ.
Với bình quân học sinh/lớp toàn tỉnh là 41,2, Bình Dương gặp khó khăn trong việc đáp ứng quy định. Số lượng học sinh tăng cao khiến tỉnh còn thiếu trên 1.500 giáo viên.
Ở nhiều trường học chỉ dạy một buổi, phụ huynh phải chạy khắp nơi tìm lớp bán trú cho con trong buổi còn lại. Việc đưa đón vất vả vì công nhân làm ca không thể ra khỏi nhà xưởng trong giờ làm việc kịp đón con.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, theo hướng dẫn mới này, các trường học phải đảm bảo sĩ số học sinh trong mỗi lớp không vượt quá 35 để bảo đảo chất lượng giáo dục và môi trường học tập. Tuy nhiên, Bình Dương là tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh, tình trạng di dân từ nơi khác làm việc, sinh sống cũng là yếu tố khiến số lượng học sinh tăng cao. Số lượng học sinh tăng đột biến trong những năm gần đây gây áp lực lớn lên hệ thống giáo dục.
Nhiều trường học phải đối mặt tình trạng quá tải, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng yêu cầu. Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu phòng học và giáo viên. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực xây dựng thêm trường lớp và tuyển dụng giáo viên nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Nhiều trường học phải tổ chức học ca, thậm chí một số lớp học phải sử dụng phòng chức năng như phòng tin học, phòng thí nghiệm để làm phòng học tạm thời.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng chia sẻ, trong năm 2024 - 2025, việc đảm bảo 35 học sinh trên lớp ở cấp Tiểu học ở Bình Dương là rất khó thực hiện. Đặc biệt, theo quy định của Bộ, học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày, hiện nay Bình Dương phải hợp tác với các trung tâm có đủ điều kiện để học sinh Tiểu học chuyển qua đó học buổi thứ hai, mặc dù chưa có cơ chế chính thức. Để đảm bảo đủ chương trình, Bình Dương đang xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo có những hướng dẫn chỉ đạo chung cho toàn quốc, bởi các tỉnh, thành phố lớn đều gặp khó khăn tương tự.
Hằng năm, tỉnh Bình Dương có bổ sung kinh phí cho giáo dục nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Việc tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển. Đây là vấn đề được các cơ quan chức năng và chuyên gia phân tích nhiều lần.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ có cơ chế khuyến khích sinh viên học ngành sư phạm nhiều hơn để các tỉnh có nguồn tuyển dụng. Nếu không có đủ giáo viên, các trường phải dồn lớp để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy, dẫn đến mâu thuẫn trong việc đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp.
Trước tình hình này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh quy định hoặc có các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Một số đề xuất bao gồm tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tuyển dụng thêm giáo viên và áp dụng linh hoạt quy định sĩ số học sinh trong một số trường hợp đặc biệt...