Năm học vừa qua, ngành giáo dục đặt những viên gạch đầu tiên cho những đổi mới ở các bậc học. Đó là, áp dụng về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, xét tuyển vào THCS và lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, kết quả của kỳ thi được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong xét tuyển. Những đổi mới này tiếp tục sẽ được thực hiện trong năm học tới đây.
Đánh giá làm tiền đề cho thi và xét tuyển
Lãnh đạo một số sở GD - ĐT cho rằng, một trong những đổi mới giáo dục mạnh mẽ trong năm học vừa qua chính là việc áp dụng Thông tư 30 về đánh giá với học sinh tiểu học và triển khai kỳ thi THPT quốc gia. Những nội dung đổi mới này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh trong năm học 2015 - 2016, trên cơ sở phát huy những mặt tích cực và khắc phục hạn chế.
Năm học 2015 - 2016, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện những đổi mới. Ảnh: Nguyễn Thái Bình |
Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD - ĐT Đồng Tháp cho biết: “Sở đã nắm được những chỉ đạo chung của Bộ GD - ĐT về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới. Năm vừa qua, cán bộ, giáo viên bước đầu thực hiện khá tốt Thông tư trong đánh giá học sinh; đại bộ phận cha mẹ học sinh đã nắm được những nội dung cơ bản của Thông tư 30 về quan điểm, nội dung, cũng như phương thức tiến hành đánh giá học sinh. Số ý kiến phản đối tuy vẫn còn, nhưng ít và mức độ quyết liệt cũng giảm đi nhiều. Vì vậy, năm học tới sẽ có những biến chuyển tốt hơn so với giai đoạn đầu”.
Tuy nhiên, để áp dụng một cách triệt để, theo ông Trần Thanh Liêm cần giải quyết những tồn tại như số học sinh trên từng lớp còn cao (nhất là ở khu vực thị trấn, thị xã, thành phố) nên khối lượng công việc mà giáo viên phải thực hiện còn nhiều, dễ dẫn đến sai sót, hoặc thực hiện theo kiểu qua loa. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ việc đổi mới đánh giá học sinh của ngành, nên chưa đồng tình và chưa phối hợp với nhà trường và giáo viên trong quá trình thực hiện... Vì vậy, rất cần sự nỗ lực của các trường lớp, thầy cô trong việc làm rõ cho phụ huynh, cũng như việc đảm bảo sĩ số lớp học, cơ sở vật chất để Thông tư được áp dụng triệt để.
Còn đại diện Sở GD - ĐT Nghệ An chia sẻ: “Thông tư 30 của Bộ GD - ĐT về đánh giá học sinh tiểu học sau một năm thực hiện, trên thực tế đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới đánh giá học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 như: Giảm áp lực về điểm số, thi cử; giúp học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, về quá trình và kết quả học tập; giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng. Thực tế kết quả học tập tại Nghệ An là minh chứng khẳng định tác động tích cực của việc đổi mới đánh giá học sinh theo hướng coi trọng đánh giá thường xuyên, đánh giá bằng nhận xét để giúp học sinh tiến bộ theo Thông tư 30. Đây được xem là những tiền đề để thực hiện trong năm học tới. Và ngành giáo dục Nghệ An đã sẵn sàng với những đổi mới này”.
Từ đổi mới việc đánh giá dẫn đến việc xét tuyển cũng được thực hiện từ năm học 2015 - 2016. Lần đầu tiên, lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6 được các thành phố lớn thực hiện nghiêm túc; góp phần giảm tải việc dạy thêm, học thêm tồn tại bấy lâu nay. Cụ thể, năm học vừa qua, Sở GD - ĐT Hà Nội chỉ đạo tất cả các trường THCS trên địa bàn thực hiện tổ chức theo hình thức xét tuyển, không thi tuyển. Kết quả của phương thức xét tuyển đã giúp các nhà trường chọn được những học sinh theo tiêu chí đặt ra. Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Việc xét tuyển có ưu điểm giúp học sinh lớp 5 giảm được áp lực, nhất là việc học thêm và không có cuộc “chạy đua” thi vào lớp 6 như các năm học trước. Xét tuyển có thể đánh giá học sinh một cách toàn diện hơn, bởi thay vì dựa vào một bài kiểm tra, thì nhà trường có thể dựa vào thành tích học tập qua học bạ và thành tích đạt được trong 5 năm học của học sinh. Nhưng để công tác xét tuyển đạt hiệu quả, một số hiệu trưởng khẳng định, rất cần sự công bằng, đánh giá chính xác ở các trường tiểu học”.
Còn bậc THPT, lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Kỳ thi đã nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp. Tuy nhiên, xung quanh kỳ thi vẫn còn những tồn tại mà Bộ GD - ĐT cho biết sẽ được khắc phục trong năm học 2015 - 2016, để kỳ thi diễn ra đúng với mục đích ban đầu mà ngành giáo dục đề ra.
Mới ngay từ ngày khai giảng
Bên cạnh những đổi mới thiết thực về nội dung, ngành giáo dục đã thực hiện những đổi mới hướng tới tinh thần “vì học sinh”. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về ngày khai giảng, ngành giáo dục đào tạo đã thống nhất cả nước khai giảng vào ngày 5/9 và thời gian chỉ diễn ra trong 1 giờ đồng hồ, với mục tiêu để lại ấn tượng đẹp cho mỗi học sinh về ý nghĩa của ngày khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Nhiều trường đã lên kịch bản giảm những bài phát biểu rườm rà, để tập trung vào sự thoải mái cho học sinh. Với tinh thần của lễ khai giảng năm nay, ngành giáo dục đã nhận được sự hưởng ứng của giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh, việc giảm các thủ tục trong ngày lễ khai giảng đã được trường thực hiện từ nhiều năm nay. Trong lễ khai giảng của trường Lương Thế Vinh chỉ có tổ chức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước và đánh trống khai giảng, sau đó học sinh tổ chức văn nghệ, vui chơi.
“Với việc tổ chức ngày khai giảng thực sự vì học sinh như năm nay là sự đổi mới đáng hoan nghênh ngành giáo dục. Hãy để ngày đầu năm học là ngày vui khi đến trường của các em”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Một số hiệu trưởng các trường cho biết, “gánh nặng” lễ khai giảng năm nay thực sự không còn. Phần lễ năm nay sẽ được tổ chức không quá 30 phút. Trong đó có phần đọc thư Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu khai giảng ngắn gọn, nhưng chứa đựng cảm xúc thầy cô, với thông điệp có khích lệ học sinh phấn khởi, tự tin bước vào năm học mới. Cuối cùng là những tiếng trống vang lên để khai trường. Đây cũng là chỉ đạo chung của ngành giáo dục Hà Nội.