Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu album K-pop đạt 132,93 triệu USD, tăng 17,1% so với một năm trước.
Trong khoản thời gian này, Nhật Bản tiếp tục là nước nhập khẩu nhiều album K-pop nhất, với kim ngạch 48,52 triệu USD. Tiếp theo là Mỹ với 25,51 triệu USD. Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của K-pop trong các năm trước đã rơi xuống vị trí thứ ba với kim ngạch đạt 22,64 triệu USD.
Ngoài ba thị trường lớn nói trên, Đức, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan, Canada, Anh và Pháp là những cái tên nằm trong tốp 10 thị trường hàng đầu của các album K-pop.
Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng của thị trường Mỹ là điều đáng chú ý. Từ năm 2012 - 2022, Trung Quốc luôn giữ vị trí là thị trường tiêu thị các album K-pop lớn thứ hai ngoài Hàn Quốc, ngoại trừ năm 2020.
Cường quốc Bắc Mỹ là thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới và sự nổi tiếng ngày càng tăng của K-pop tại đây là một dấu hiệu cho thấy thể loại âm nhạc này đang trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Ngành công nghiệp K-pop "tấn công" thị trường quốc tế từ những năm 2000, bắt đầu với sự thống trị tại thị trường âm nhạc Nhật Bản - nơi được coi là thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới. Sau đó ngành công nghiệp K-pop bắt đầu lan rộng ra các nước Đông Á cho đến giữa những năm 2010.
Trong thập kỷ qua, K-pop đã phát triển và mở rộng liên tục. Với sự dẫn đầu của các nhóm nhạc hàng đầu như BTS, BLACKPINK, TWICE,.... K-pop đã vượt qua những "bức tường" dường như không thể phá vỡ của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu, mở đường cho sự phát triển của nhiều nghệ sĩ K-pop khác nhau.