Có lẽ, không một người phụ nữ Việt Nam nào lại chưa từng cầm tới một cây kim, sợi chỉ. Và từ cây kim, sợi chỉ ấy, không ít người đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam nói chung, và những nghệ nhân thêu nói riêng, ở khắp mọi miền đất nước - đó là "ước nguyện" của những đêm hội mà XQ Việt Nam tổ chức trong dịp đầu năm 2011 này.
Một tình yêu Hà Nội
Một đêm hội dành cho những người bán hàng rong của phố cổ sẽ được tổ chức tại XQ Đà Lạt Sử Quán (110 Hàng Gai - Hà Nội) trong những ngày đầu năm mới 2011. Với tên gọi "Người canh giữ thời gian phố cổ Hà Nội", đêm hội sẽ tái hiện lại hình ảnh của Hà Nội ở thời khắc đêm chuyển dần sang ngày, sương còn giăng lãng đãng mờ, những căn nhà mái ngói thâm nâu vẫn đang ngái ngủ. Đường phố vắng ngăn ngắt, duy nhất những gánh hàng rau, những người bán rong đang tất tả để bắt đầu một ngày mới của mình...
“Tôi có thời gian hay lang thang sáng sớm, tầm 4 - 5 giờ trên những con phố cổ của Hà Nội, chứng kiến những bà, những mẹ với vài mớ rau lang, chục quả su su... đang bán vội cho một số nhà mở cửa sớm. Hình ảnh ấy khiến tôi rất xúc động, và tôi quyết định sẽ tổ chức một đêm hội dành cho những người bán rong của Hà Nội - những người canh giữ thời gian của phố cổ, và là một hình ảnh rất đặc trưng của phố cổ.
Sẽ có những gánh hàng rong, có những chiếc lò nướng khoai lang, nướng ngô, sẽ có niềm vui lảnh lót của những tiếng rao đêm... Họ chính là sự gắn kết, là những sợi dây nối phố cổ với nhau” - ông Võ Văn Quân, Giám đốc XQ tâm sự.
Bức tranh thêu "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long" do các nghệ nhân thêu tranh XQ dâng tặng Hà Nội nhân dịp Đại lễ. |
Đêm của những cây kim gãy
Thời khắc mở đầu của năm mới này thật sự tràn ngập những ý tưởng với XQ Đà Lạt Sử Quán, bởi đây cũng là thời khắc mà trụ sở mới của XQ tại Hà Nội đang được hoàn thiện, với một không gian thật tinh tế, sang trọng. Một đêm hội mang tên "Đêm hội Kim Gãy" sẽ diễn ra trong 3 ngày: 5 - 7/1/2011.
Đêm 5/1 dành cho các nghệ nhân XQ Đà Lạt yêu Hà Nội. Đêm 6/1 dành cho các nghệ nhân XQ Sài Gòn bày tỏ tình yêu với Hà Nội. Và đêm cuối cùng, đêm 7/1 dành cho các nghệ nhân XQ Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng và Huế.
"Đêm hội này sẽ giống như một "bản tổng kết" thành quả của những nghệ nhân XQ trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Đó là bức tranh thêu khổng lồ "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long" đã được các nghệ nhân thêu hoàn thành và rước về Thủ đô đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội" - ông Quân cho biết.
Sở dĩ đêm hội có tên là "Đêm hội Kim Gãy" bởi trong lễ rước và trao tặng bức tranh "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long" cho Thủ đô, các nghệ nhân XQ cũng đã rước theo một hộp đựng hàng ngàn cây kim gãy của các nghệ nhân trong quá trình thêu bức tranh.
Những cây kim gãy này, theo tâm sự của các nghệ nhân, giống như sự thể hiện những nỗ lực, cố gắng của họ. "Và đêm hội còn mang một ý nghĩa lớn hơn, bởi "hiện diện" trong đêm hội còn có cả những cây kim gãy do những người khách tới dự mang theo, những cây kim của bà, của mẹ họ, những cây kim đã được dùng để khâu vá áo cho chồng, cho con, cho cháu...
Người phụ nữ nào mà chẳng đã từng may vá, chẳng đã từng chăm chút, lo toan cho những người thân của mình? Những cây kim gãy và những câu chuyện đi kèm do những người khách đến dự đêm hội kể lại sẽ làm đêm hội ấm áp hơn. Bởi vậy, đêm hội này còn có ý nghĩa như một sự tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam nói chung, những người thợ thêu Việt Nam nói riêng, những con người tài hoa, khéo léo và hết mực yêu chồng, thương con...".
Và cũng còn một ý nghĩa nữa của "Đêm hội Kim Gãy", đó là sự tôn vinh nghệ thuật truyền thống của dân tộc. "Lâu nay, nhiều gia đình, khách sạn, những trung tâm công cộng... vẫn "sính" trang trí theo phong cách nước ngoài.
Trong khi đó, những bức tranh thêu truyền thống do những người phụ nữ Việt Nam làm ra hoàn toàn có thể làm sang cho bạn, cho gia đình bạn, cho không gian của bạn. Vậy tại sao chúng ta không tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật đậm tính dân tộc như vậy? Những đêm hội của XQ chính là để khẳng định điều đó, để nhiều người biết đến và trân trọng những tác phẩm nghệ thuật truyền thống này nhiều hơn" - một nghệ nhân thêu cho biết.
P.V