Cột mốc 20 năm là dịp để tôn vinh những thành tựu và cống hiến cho thế giới trong suốt 2 thập niên của nền âm nhạc Latin cũng như nhìn vào những bất cập và tranh cãi đang tồn tại trong hệ thống của giải thưởng danh giá này.
Lễ trao giải Grammy Latin đã khởi động chương trình kỷ niệm 20 năm với một màn trình diễn đầy sôi động và đầy sắc màu với sự góp mặt của 20 nghệ sĩ trên sân khấu để cùng tôn vinh âm nhạc Latin. Prince Royce, Anitta, Fito Páez, Reik, Natalia Jiménez, Beto Cuevas và Calibre 50 là một trong những nghệ sĩ tham gia màn tái hiện lại những bài hát Latin nổi tiếng của những nghệ sĩ tên tuổi như Celia Cruz, Juan Gabriel, Joan Sebastian và Soda Stereo. Màn trình diễn có sự góp giọng của Ricky Martin, một trong những nghệ sĩ thành công nhất mọi thời đại của dòng nhạc Latin cũng là người dẫn chương trình năm nay cùng với Roselyn Sánchez và Paz Vega.
Ngoài màn mở màn choáng ngợp, sân khấu của Grammy Latin năm nay còn chào đón những tên tuổi lớn khác của làng nhạc này gồm Luis Fonsi, Ozuna và Residente, người hiện nắm giữ kỷ lục về tượng vàng Grammy Latin với 25 lần được xướng tên. Tương tự như những năm trước, các nhà tổ chức lễ trao giải cũng dàn dựng một số màn trình diễn “giao thoa” giữa làng nhạc Latin với một số nghệ sĩ “ngoại giới”.
Nữ ca sĩ da màu Alicia Keys đã tham gia cùng Capó, Miguel và Farruko trong một liên khúc rộn ràng được đầu tư công phu. Một trong những màn trình diễn nổi bật nhất trong đêm trao giải là màn tái xuất của Vicente Fernández, nghệ sĩ đã ngừng hoạt động âm nhạc từ năm 2016. Màn biểu diễn tràn đầy năng lượng đã khiến toàn bộ khán phòng đứng dậy dõi theo. Ngoài ra, một bất ngờ lớn nhất của đêm trao giải là sự xuất hiện của Lars Ulrich, tay trống của ban nhạc huyền thoại Metallica, người đã xuất hiện trên sân khấu để trao giải Nghệ sĩ của năm cho ngôi sao nhạc pop kỳ cựu người Colombia Juanes.
Ngôi sao của lễ trao giải năm nay là ca sĩ người Tây Ban Nha Rosalía, nghệ sĩ có nhiều đột phá trong vài năm qua với phong cách pha trộn âm nhạc flamenco với các thể loại mới nổi như reggaeton và Latin trap. Tại Grammy Latin 2019, tên của cô đã xướng lên ở hạng mục Album của năm với sản phẩm “El Mal Querer”, khiến cô trở thành nghệ sĩ solo thứ hai trong lịch sử giải thưởng này giành được vinh dự này kể từ chiến thắng của Shakira 13 năm trước với album “Fijación Oral Vol. 1”. Ngoài ra, Rosalía cũng là một trong hai nghệ sĩ dẫn đầu về tượng vàng trong lễ trao giải với 3 tượng vàng Grammy. Hai chiến thắng còn lại của cô là Ca khúc nhạc urban xuất sắc nhất và Album nhạc pop đương đại xuất sắc nhất. Nữ nghệ sĩ này cũng mang đến cho đêm trao giải một trong những màn trình diễn ấn tượng nhất. Trong bộ trang phục đỏ bắt mắt, cô đã trình diễn một liên khúc các bài hát nổi tiếng của mình.
Alejandro Sanz, cái tên bước vào lễ trao giải với nhiều đề cử nhất, đã ra về với chiến thắng tại 3 trong 8 hạng mục đề cử gồm Ghi âm của năm, Ca khúc nhạc pop xuất sắc nhất và Video âm nhạc dài xuất sắc nhất cho bài hát “Mi Persona Favorita” thu âm cùng nữ ca sĩ Camila Cabello. Trong khi đó, ca khúc “Calma” đã giúp mang về tượng vàng Grammy Bài hát của năm cho ca sĩ người Puerto Rico Pedro Capó cùng với Gabriel Edgar González Pérez và George Noriega. Giải thưởng nghệ sĩ mới xuất sắc nhất thuộc về ca sĩ dòng nhạc soul Nella. Cô ca sĩ gốc Venezuela này đã mang đến âm nhạc hòa trộn giữa âm hưởng hiện đại với những giai điệu dân gian của quê hương cô.
Tuy nhiên, đằng sau ánh sáng và những sắc màu rực rỡ, lễ trao giải Grammy Latin 2019 cũng có những khoảng trống của tranh cãi và mâu thuẫn. Nghệ sĩ nhạc rap Bad Bunny, người giành giải Album nhạc urban của năm với album “X 100Pre”, trong bài phát biểu nhận giải của mình đã lên tiếng chỉ trích giải Latin Grammy trong nhiều năm qua phân biệt đối xử với dòng nhạc reggaeton. Trong phát ngôn được dành gửi tới “tất cả các nhạc sĩ và thành viên của Viện Ghi âm”, Bad Bunny nhấn mạnh reggaeton là một phần của văn hóa Latin và là một dòng nhạc có vị trí tương đương với tất cả các thể loại âm nhạc khác của thế giới. Nghệ sĩ người Puerto Rico kêu gọi cộng đồng reggaeton tiếp tục làm việc và cống hiến cho sự sáng tạo để mang đến âm nhạc khác biệt và mới lạ cho công chúng.
Reggaeton là thể loại nhạc Latin phổ biến nhất hiện nay. Dòng nhạc này là sự kết hợp giữa hiphop, electro và kế thừa tinh hoa của tropical music vùng Caribe. Với những ca khúc tạo ra các cơn sốt toàn cầu như “Macarena”, “Despacito” hay “Havana”, sở hữu hàng tỷ lượt nghe trực tuyến trên toàn thế giới và luôn chiếm top đầu trên bảng xếp hạng các nền tảng trực tuyến như YouTube hay Spotify, các ca khúc reggaeton đã trở thành đại diện giới thiệu âm nhạc Latin đến với người nghe toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, không có nghệ sĩ reggaeton nào được đề cử trong các hạng mục quan trọng của Grammy Latin như album, bài hát hay thu âm của năm. Trong khi đó, các đề cử này thường chủ yếu rơi vào tay các nhạc sĩ trên 45 tuổi: Juanes, Juan Luis Guerra, Alejandro Sanz, Marc Anthony, những nghệ sĩ gạo cội và có bề dày thành tựu nhưng ảnh hưởng và các sản phẩm mới đang thưa thớt dần trong những năm gần đây.
Thực trạng này đã khiến J Balvin - nghệ sĩ hiện sở hữu lượt nghe cao nhất thế giới hiện nay trên nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify - dẫn đầu một làn sóng tẩy chay Grammy Latin năm nay. Viết trên Instagram, nam ca sĩ danh tiếng này đã thẳng thừng tuyên bố: “Không có reggaeton, không có Grammy Latin”. Trước đó, hồi tháng 9, chỉ một ngày sau khi Viện Hàn lâm Thu âm Latin công bố các đề cử của Grammy Latin năm nay, cũng trên Instagram, J Balvil đã chỉ trích tình trạng bất công đối với dòng nhạc anh theo đuổi cũng như cáo buộc phía tổ chức giải thưởng chỉ đang “lợi dụng các nghệ sĩ reggaeton để thu hút người xem”. Nhiều nghệ sĩ lớn của dòng nhạc này như Maluma và Daddy Yankee đã hưởng ứng lời kêu gọi quay lưng với Grammy Latin năm nay của Balvin.
Về tranh cãi này, nghệ sĩ người Colombia Juanes, người nhận giải Nghệ sĩ của năm tại lễ trao giải năm nay, cho rằng có lẽ đã đến lúc cả ban tổ chức Grammy Latin và các nghệ sĩ cùng nhau tìm cách để cải thiện các đề cử trong tương lai. Chìa khoá để giải quyết mâu thuẫn là kết nối giữa các bên.