Trước những yêu cầu cấp bách của giai đoạn mới, từ ngày 6 đến ngày 8/6/1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam ở miền Nam cùng các lực lượng yêu nước khác đã họp Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam, nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ.
Năm 1954, khi Hiệp định Geneva còn chưa ráo mực, Mỹ - Ngụy đã thực hiện chính sách khủng bố, trả thủ những người yêu nước, chia rẽ dân tộc, tôn giáo cùng với Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, tổ chức các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, thảm sát những người yêu nước, tham gia cách mạng và thân nhân những gia đình có người ra Bắc tập kết, cướp lại ruộng đất của nông dân, tiến hành đàn áp các giáo phái, phân biệt đối xử với tư sản, trí thức, công chức đã từng hợp tác với Pháp, phân biệt đối xử với bà con người Hoa…
Tức nước vỡ bờ, nhân dân miền Nam đã vùng lên với nhiều hình thức đấu tranh chính trị, vũ trang để chống lại sự bắt bớ, đàn áp dã man của Mỹ - Ngụy, bảo vệ quyền sống, quyền làm người, để xóa bỏ cảnh đất nước bị chia cắt. Cuộc đồng khởi ở Bến Tre, rồi nhanh chóng lan rộng ở khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung Bộ…
Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 6/1969 là đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tham dự phiên khai mạc Hội nghị bốn bên về Hòa bình ở Việt Nam tại Pari ngày 25/1/1969. Ảnh: TTXVN |
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chi viện tối đa của hậu phương quân và dân miền Bắc, sự ủng hộ, giúp đỡ quí báu của nhiều nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ của nước Mỹ, Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lần lượt làm thất bại các lượt “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, làm nên cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã cùng với Liên minh các lực lượng vũ trang dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam hiệp thương thống nhất tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam. Ngày 6 tháng 6 năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra đời do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là Bác sĩ Phùng Văn Cung (kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên), Cụ Nguyễn Đóa cùng 7 Bộ trưởng. Bên cạnh đó còn có Hội đồng cố vấn do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch và 11 ủy viên.
Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam ngay từ ngày mới ra đời đã kế tục và phát triển sự nghiệp vinh quang của của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, buộc mọi thế lực chống đối phải thừa nhận quyền làm chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, giai cấp, dân tộc, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền bù nhìn, tay sai bán nước, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Là một thực thể chính trị, đại diện cho quyền dân chủ của nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam ngay sau khi thành lập đã được 23 quốc gia công nhận, trong đó có 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao.
Ngày 27/1/1973, Lễ ký chính thức Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được tiến hành trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Paris, Pháp). Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyến Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William P.Rogers và Tổng trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm ký Hiệp định. Ảnh: Văn Lượng- TTXVN |
Từ tháng 6/1969 đến đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 quốc gia trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao. Điều này chứng minh, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế, còn chính phủ Cộng hòa chỉ là chính quyền do Mỹ dựng lên, làm bù nhìn, tay sai cho Mỹ.
Trải qua 4 năm, 9 tháng với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc họp riêng, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris giữa 4 bên tham gia hội nghị. Thay mặt Chính phủ cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã ký chính thức vào văn bản của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và ba Nghị định thư kèm theo. Hiệp định ghi nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, có đó là “quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng”; “Nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam”. Quyền tự quyết ấy của nhân dân miền Nam đã được thực hiện trong Hội nghị hiệp thương, diễn ra vào tháng 11-1975, bàn về Tổng tuyển cử trong cả nước và Quốc hội nước Việt Nam thống nhất.
Tuy chỉ tồn tại trong 6 năm, từ tháng 6-1969 đến tháng 7-1975, nhưng sự hiện diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước.
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời đánh dấu thắng lợi mới có ý nghĩa lịch sử cách mạng miền Nam, một thắng lợi trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam, một chính quyền thực sự dân tộc và dân chủ.
Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN