“Nhật ký trong tù” - Bảo vật quốc gia

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Nhật ký trong tù” từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943 trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ trong các nhà ngục của chúng. Nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, một tiếng thơ tự do đã bay lên. “Nhật ký trong tù là bức chân dung của một đại nhân, đại trí, đại dũng” đúng như một nhà thơ Trung Quốc đã từng viết.

Vẫn biết rằng “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”, thế nhưng trong lịch sử dân tộc, chưa có một con người nào mà tài năng và đức độ vừa xuất sắc, vừa toàn diện như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên con đường ra đi tìm đường cứu nước, nhận thấy văn học có khả năng lợi hại như một vũ khí phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nắm lấy nó, mài sắc và sử dụng nó. Vì thế, bên cạnh sự nghiệp cách mạng cứu nước cứu dân, Người còn để lại một gia sản lớn về văn chương và “Nhật ký trong tù” là một trong số đó.

Tập thơ “Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 30 Bảo vật Quốc gia (đợt I) được công nhận theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Minh Đức – TTXVN


“Nhật ký trong tù” là một tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ bằng chữ Hán, thể hiện những nội dung tư tưởng vô cùng lớn lao của Người. Đó là sự hòa quyện giữa giá trị hiện thực và nhân đạo, giữa chất thép và tình cảm; đó là sự đau thương, cực nhọc nhưng lại xen lẫn ở đó những tiếng cười trào phúng; đó là sự đau khổ buồn bã nhưng cao hơn cả là niềm tin, khát vọng, là sự lạc quan chưa bao giờ dập tắt trong tâm hồn một chiến sỹ cộng sản.

Theo Giáo sư, nhà phê bình văn học Phong Lê: “Nhật ký trong tù” là một tác phẩm bộc lộ rõ rệt nhất chân dung tự họa của Bác. Trong chân dung tự họa đó, đọc từng trang nhật ký ta thấy hiện lên rất nhiều con người.

Thứ nhất là một chiến sĩ cách mạng mất tự do, vậy là khát vọng tự do là lớn nhất. Thứ hai là một người tù trong thân phận của người tù, bao nhiêu nỗi khổ đặt ra cho Bác. Thứ ba là một nạn hữu mà thông cảm sâu sắc với tất cả những người cùng khổ đau, bất hạnh xung quanh mình, từ em bé, từ người tù cơ bản bị chết,… và nhờ vào đó chúng ta hiểu lãnh tụ của ta là một người như thế nào. Một người ở tầm cao cả cách mạng, nhân văn nhất của một người mang chủ nghĩa nhân đạo cao nhất”.

Ngay từ trang đầu của “Nhật ký trong tù”, người đọc đã cảm nhận được ở Người một nghị lực phi thường, một bản lĩnh thép vĩ đại không gì có thể lung lạc được: “Thân thể ở trong lao, Tinh thần ở ngoài lao, Muốn lên sự nghiệp lớn, Tinh thần càng phải cao”. Ở Bác, tràn đầy một tinh thần yêu nước, lạc quan cách mạng, biến những điều trông thấy, những cảnh khổ cực, đọa đày ở trong tù trở thành niềm tin, tinh thần vươn lên khát khao đối với tự do, bình đẳng.

Với Người, tự do chính là ánh sáng, là nguồn sức mạnh tiếp sức cho con người. Do đó, Người luôn luôn khao khát vươn tới tự do dù ở trong ước mơ, trong giấc ngủ, dù đó là một chút tự do hiếm hoi của chế độ nhà tù: Hai giờ ngục mở thông hơi/Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do. Những khát vọng tự do mạnh mẽ đó thể hiện một niềm khao khát chiến đấu, giải phóng ách nô lệ cho nhân dân, cho dân tộc đang bị thực dân xâm chiếm của người chiến sỹ cộng sản.

Không chỉ có vậy, các vần thơ đã thể hiện nhân cách văn hóa lớn của Người. Đó là sự gần gũi, cảm thông, giúp đỡ những người bạn tù trong bài: “Người bạn tù thổi sáo”, “Chiếc chăn giấy của người bạn tù”…; đó là những quan tâm đến những buồn đau, tủi nhục trong gia đình bạn tù trong bài: “Vợ người bạn tù đến thăm chồng”, “Cháu bé trong ngục Tân Dương”, “Gia quyến người bị bắt lính”, đó là sự cảm thông, chia sẻ đến cảnh nghèo cảnh đói của nhân dân vùng Long An / Ðồng Chính,… Trên hết đó là tấm lòng yêu thương bao la của Người đối với nhân loại cần lao, đối với cuộc sống trần thế còn đầy đau thương; là tấm lòng nhân đạo đến độ quên mình.

Đọc “Nhật ký trong tù”, chúng ta còn thấy ở Người một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, một trí tuệ anh minh, linh hoạt và sắc sảo, rất nhạy cảm với vẻ đẹp thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ Bác luôn gắn chặt với con người. Con người không hòa tan, không đối lập, mà là làm chủ thiên nhiên, là trung tâm của thiên nhiên.

Ngày 24/12/2012, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Trao đổi Mỹ thuật Hàn - Việt tổ chức triển lãm “Tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc”. Ảnh: Minh Đức - TTXVN


Con người đã đem lại sức sống, vẻ đẹp, cái hồn, cái thần cho thiên nhiên, cả con người và thiên nhiên hài hòa trong niềm vui, sự sống bất diệt. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: quên mình tuyệt đối, không chút vướng bận với nỗi đầy đọa mà bản thân đang phải chịu, luôn chia sẻ, hòa mình với thiên nhiên, vào niềm vui nỗi khổ của nhân dân.

Với những giá trị cao cả và nhân văn như vậy nên kể từ khi được phát hành lần đầu vào năm 1960 đến nay, “Nhật ký trong tù” đã được dịch trọn vẹn và xuất bản nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, được giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới. “Nhật ký trong tù” cũng là nguồn cảm hứng để nhiều nhà thư pháp thể hiện nhiều lần bằng chữ Việt, chữ Hán, chữ Triều Tiên và chữ Nhật Bản, trên nhiều chất liệu...

Ngày 1/10/2012, tác phẩm “Nhật ký trong tù” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 1) theo quyết định số 1426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

133 bài thơ được vút lên từ chốn tù ngục tăm tối lúc nào cũng rực sáng ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, ngọn lửa của lòng yêu nước thương dân, nỗi đau của dân tộc và nhân loại, thiết tha với tạo vật. Ngọn lửa ấy chính là vẻ đẹp tâm hồn Bác.


Trung tâm Thông tin Tư liệu - TTXVN


Niềm tin tất thắng của người cộng sản Lê Hồng Phong
Niềm tin tất thắng của người cộng sản Lê Hồng Phong

Là người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Hồng Phong nguyên là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, người học trò gần gũi và xuất sắc của Bác Hồ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN