Ngày trận chiến nước Anh

Ngày 10/7/1940, với tham vọng giành ưu thế trên không trước không quân Hoàng gia Anh, từ đó gây áp lực buộc nước Anh phải đầu hàng và rút ra khỏi chiến trường châu Âu, phát xít Đức đã bắt đầu cuộc tấn công bằng không quân trên bầu trời nước Anh và eo biển La Manche.

 

Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, với lực lượng hùng hậu và sức mạnh quân sự vượt trội, phát xít Đức đã nhanh chóng thôn tính được phần lớn lãnh thổ Trung và Tây Âu, từ Ba Lan đến Pháp, cũng như giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng bờ biển Bắc Hải và Đại Tây Dương của Pháp. Sau khi Pháp đầu hàng vào cuối tháng 6/1940, tại thời điểm đó, nhiều người cho rằng, chỉ còn nước Anh là có khả năng ngăn cản Hitle trên con đường thống trị châu Âu.

 

Nhằm sớm giành ưu thế trên không, làm suy yếu sức kháng cự của quân Anh, buộc Anh phải đầu hàng, hoặc ít nhất là xin hòa và rút ra khỏi chiến trường châu Âu, Hitle và Bộ tư lệnh tối cao Đức đã mở chiến dịch “Sư tử biển”, tấn công nước Anh qua eo biển Manche. Nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch này, Hitle từng tuyên bố “Nếu không thành công trong việc gây thiệt hại đáng kể cho không quân, hải cảng và hải quân đối thủ thì chiến dịch này sẽ phải hoãn lại tới tháng 5/1941”.


Đội máy bay KG 76 của Không quân Anh.


Để chuẩn bị cho chiến dịch, phát xít Đức đã huy động 3 hạm đội không quân gồm hơn 2.500 máy bay các loại và khoảng 260.000 quân lính. Được triển khai tại hai mặt trận miền Nam và miền Bắc nước Anh, lực lượng này luôn trong tình trạng sẵn sàng tấn công nước Anh.

 

Ngày 10/7/1940, với lợi thế không quân vượt trội, các máy bay Đức bắt đầu oanh tạc tàu thuyền của Anh qua lại trên vùng biển Manche. Không chỉ nhằm mục đích khống chế toàn bộ vùng eo biển này, quân Đức còn hy vọng sẽ thu hút được một lực lượng tiêm kích đáng kể của Anh tham chiến. Chỉ sau vài trận đụng độ, không quân Anh đã thay đổi chiến thuật, chuyển máy bay vào sâu hơn trong đất liền để hạn chế sức mạnh tấn công của không quân Đức.

 

Sau khoảng 1 tháng khống chế eo biển Manche, bắt đầu từ ngày 13/8, Đức quốc xã thay đổi chiến thuật, huy động hàng ngàn lượt máy bay, đồng loạt tấn công các sân bay, trạm radar và nhà máy sản xuất máy bay ở miền Nam và miền Bắc nước Anh. Tuy nhiên, những cuộc đột kích này của không quân Đức đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ bất ngờ của không quân Anh. Chỉ sau 1 ngày giao chiến, lực lượng không quân Anh đã bắn hạ gần 200 máy bay Đức. Trong khi đó, không quân Anh cũng phải chịu những thất bại không nhỏ với khoảng hơn 100 chiếc bị bắn rơi.

 


Liên tục trong những ngày sau đó, để duy trì thế trận trên không cũng như gây sức ép lên Chính phủ Anh, Đức quốc xã vẫn tiếp tục oanh tạc nhiều cơ sở sản xuất, sân bay, nhà ga, bến cảng trên khắp các vùng miền nước Anh. Kiên cường chống trả, lực lượng phòng không và không quân Anh đã tiếp tục lập nhiều chiến công lớn, bắn hạ hàng trăm máy bay Đức.

 

Trận chiến trên không chằng chịt vết khói đạn giữa quân đội 2 nước.


Trước những thất bại cả về lực lượng lẫn chiến thuật, ngày 24/8, phát xít Đức đã điên cuồng ném bom rải thảm xuống thủ đô London. Để trả đũa, Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng ra lệnh ném bom Berlin chỉ 1 ngày sau đó. Kể từ đó, người dân ở cả hai phía đều phải chịu những nỗi thống khổ vô hạn. Họ đã phải thường xuyên tá túc tại những ga xe điện ngầm, những hầm ngầm tránh bom mới được dựng lên trong điều kiện sống khó khăn và thiếu thốn. Nhiều người trong số đó đã thiệt mạng sau những cuộc oanh kích dữ dội. Rất nhiều thành phố của cả hai bên đều đã trở nên hoang tàn, đổ nát sau những cuộc oanh kích này.

 

Trận đánh ác liệt nhất được biết đến với tên gọi “Ngày trận chiến nước Anh” giữa không quân Anh và không quân Đức diễn ra vào ngày 15/9. Với hàng trăm máy bay của cả hai bên được huy động, bầu trời nước Anh đã thực sự trở thành một chiến trường đẫm máu. Sau trận giao tranh này, không quân Đức đã tiếp tục gánh chịu thiệt hại khi bị mất đi 60 máy bay.

 

Không đạt được mục tiêu hủy diệt nước Anh, hủy diệt tiềm năng công nghiệp của Anh, Hitle đành phải ra lệnh giảm dần các cuộc oanh kích và chính thức ngừng tấn công Anh quốc vào ngày 30/10/1940. Có thể nói trận chiến này đánh dấu thất bại nặng nề đầu tiên của các lực lượng quân sự Đức quốc xã, khi tổng số máy bay bị bắn hạ lên đến hơn 1.600 chiếc. Mặc dù cũng phải chịu những thiệt hại không nhỏ với khoảng 1.000 chiếc máy bay bị bắn rơi, hàng chục ngàn người chết và bị thương, nhiều thành phố, cơ sở sản xuất bị hủy hoại nhưng cuối cùng nước Anh cũng đã giành chiến thắng trước lực lượng không quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Thắng lợi này cũng đã tạo điều kiện cho Anh tái lập các lực lượng quân sự, tiếp tục tham gia công cuộc giải phóng châu Âu trong những năm tiếp theo của cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai.

 

Trận chiến nước Anh không chỉ đánh dấu thất bại đầu tiên của không quân Đức mà còn là một trong những bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

Cống hiến to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Cống hiến to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mặc dù ngắn ngủi nhưng đã để lại một dấu ấn quan trọng, đóng góp vào trang sử vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo và trong công tác xây dựng Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN