Ngày 2/11/1936, từ cung điện Alexandra Palace Victoria ở phía Bắc London, lần đầu tiên đài BBC phát sóng truyền hình, đánh dấu ngày khởi đầu của truyền hình thế giới. Ngày 2/11/1936, Đài BBC phát đi sóng truyền hình đầu tiên từ cung điện Alexandra Palace Victoria. Ảnh: BBC.
|
Ngày nay, với sự phản ánh đa diện, ứng dụng công nghệ hiện đại, truyền hình ngày càng thu hút được nhiều khán giả, khẳng định ưu thế vượt trội và ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trên khắp thế giới.
Trong sự sáng tạo không ngừng của nhân loại, có những phát minh làm thay đổi cuộc sống như điện tín được phát minh năm 1837, điện thoại năm 1876, radio năm 1920. Đặc biệt, chiếc tivi đầu tiên trên thế giới được phát minh vào năm 1925 của kỹ sư người Anh John Logie Baird đã làm thay đổi cách giao tiếp, cuộc sống của con người. Tivi của Logie Baird có thể chạy 30 khung hình trong 5 giây, sau đó được cải tiến thành 12,5 khung hình/giây vào năm 1928.
Phát minh của Logie Baird đã đặt nền móng cho gần một thế kỷ phát triển của ngành công nghiệp truyền hình và giúp mọi người trên khắp thế giới thông tin với nhau qua những hình ảnh chuyển động đặc sắc.
Ngày 2/11/1936, đánh dấu ngày khởi đầu của truyền hình thế giới khi Đài BBC phát đi sóng truyền hình đầu tiên từ cung điện Alexandra Palace Victoria ở phía Bắc London; lúc đó chỉ có khoảng 500 chiếc ti vi bắt được sóng của chương trình này.
Thời đó, BBC dùng 2 hệ thống để phát tín hiệu, Baird 240 dòng và Marconi-EMI 405 dòng. Tuy nhiên, sau 6 tuần phát thử nghiệm xen kẽ nhau, hệ thống Baird đã bộc lộ những nhược điểm của mình. Nó quá cồng kềnh và các hiệu ứng lại thua kém Marconi-EMI. Do đó, Baird đã bị loại bỏ vào đầu năm 1937.
Tháng 11/1937, BBC thực hiện buổi phát hình ngoài trời đáng chú ý đầu tiên. Đó là buổi phát hình lễ đăng quang của vua George VI tại công viên Hyde, London. BBC đã sử dụng một máy phát xách tay đặt trên chiếc xe đặc biệt. Hàng nghìn khán giả đã chứng kiến buổi phát hình này.
Ngày 1/9/1939, hai ngày trước khi Anh tuyên bố tình trạng chiến tranh với Đức, trạm phát sóng ở London đã bị gỡ bỏ do chính phủ Anh lo ngại tín hiệu VHF được phát ra từ trạm có thể dẫn đường cho máy bay của quân Đức. Chương trình cuối cùng được phát trước khi trạm này tạm ngưng hoạt động là một bộ phim hoạt hình về chuột Mickey. Có một điều thú vị là ngay khi được phát sóng trở lại vào 7/6/1946, ban lãnh đạo BBC đã chiếu lại 20 phút của đoạn phim này nhằm giúp mọi người theo dõi liền mạch hơn.
Cung điện Alexandra tiếp tục được sử dụng để làm trạm phát sóng trung tâm và tổng hành dinh của BBC cho đến những năm 1950. Sau đó thì nó được thay thế bởi cơ sở mới ở White City, London vào năm 1960. Hiện tại, White City vẫn là nơi đặt trụ sở chính của hãng truyền thông khổng lồ này.
Chỉ sau một vài thập kỷ, truyền hình đã tiến những bước dài và thực sự tách ra khỏi các loai hình khác, trở thành phương tiện truyền thông độc lập và có sức mạnh to lớn trong việc tạo dựng và định hướng dư luận. Những đài phát thanh như NBC, CBS, ABC... sau khi phát triển thêm truyền hình đã thực sự lớn mạnh và trở thành những tập đoàn phát thanh-truyền hình tầm cỡ thế giới.
Lịch sử phát triển của truyền hình luôn nằm trong và song hành với lịch sử tiến bộ nhân loại. Truyền hình ngày một lớn mạnh do nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng cao, khoa học kỹ thuật phát triển và xuất hiện nhu cầu được giao lưu quốc tế. Ngành truyền hình thế giới ngày càng hoàn thiện về chất lượng bằng những màn hình lớn hơn, công nghệ phát và truyền dẫn tín hiệu truyền hình tốt hơn.
Ngành truyền hình thế giới đang từng bước chuyển dần từ công nghệ tương tự (hay tuần tự - analog) sang truyền hình kỹ thuật số (digital). Từ thập kỷ 80 của thế kỉ XX, hệ truyền hình độ nét cao (high-definition television - HDTV) sử dụng kỹ thuật số bắt đầu được nghiên cứu. Hiện nay, chúng ta đang được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời với truyền hình độ nét cao HD và truyền hình 3D.
Có thể nói, truyền hình là phương tiện truyền thông phổ biến nhất trên thế giới. Không chỉ là phương tiện truyền thông, phương tiện giải trí thuần túy, mà ngày nay truyền hình còn được ứng dụng như một công cụ bảo vệ, giám sát. Ngành tàu điện ngầm dùng truyền hình để quản lý hệ thống đường tàu điện ngầm hay để điều khiển con tàu từ xa. Các bác sỹ khám các cơ quan nội tạng của bệnh nhân bằng máy camera hiển vi thay vì mổ. Ngành giáo dục tiến hành đào tạo từ xa cũng thông qua truyền hình...
Cho tới nay, đã có hàng trăm nghìn chương trình và hàng nghìn kênh truyền hình trên thế giới phục vụ nhu cầu của khán giả; truyền hình đã là một phần không thể thiếu đối với con người.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN