Vụ đánh bom thảm khốc
Chỉ vài ngày trước lễ Giáng sinh năm 1988, chuyến bay số hiệu 103 của hãng hàng không Mỹ Pan Am đang bay trên bầu trời, chở các sinh viên từ sân bay Heathrow ở Anh về Mỹ nghỉ lễ. Khi chiếc máy bay bay được 38 phút, phi hành đoàn bắt đầu phục vụ đồ uống.
Đúng lúc đó, Alan Topp, nhân viên kiểm soát không lưu tại sân bay Prestwick ở Glasgow không thể tin nổi vào mắt mình khi ô vuông màu xanh nhỏ đánh dấu vị trí của Pan Am 103 trên màn hình trước mặt anh biến mất. Không lâu sau đó, màn hình xuất hiện 5 ô vuông màu xanh mới thể hiện vị trí của mũi máy bay, hai cánh, thân chính và đuôi máy bay. Những ô vuông này sau đó cũng biến mất trên màn hình khi chúng rơi khỏi tầm quét của radar. Thi thể người, hành lý và mảnh vỡ máy bay rơi xuống thị trấn Lockerbie từ độ cao 9,6km ở khu vực biên giới Scotland.
Thị trấn này bị thiệt hại nặng nhất khi hai cánh máy bay chứa gần 76.000 lít nhiên liệu phát nổ và tạo ra một hố rộng tới 9 mét, dài 100 mét và sâu 9 mét ở khu vực Sherwood Crescent. Hai ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn cùng với những người bên trong.
259 người trên máy bay và 11 người trên mặt đất thiệt mạng. Vụ đánh bom khủng bố xảy ra vào ngày 21/12/1988 đó là thảm họa hàng không dân sự tồi tệ nhất lịch sử nước Anh. Tuy nhiên, 30 năm sau, người ta vẫn không biết chính thức ai là thủ phạm vụ giết người hàng loạt trên không này.
Giả thiết mới
Theo cuốn sách mới xuất bản“Lockerbie: The Truth” (Lockerbie: Sự thật) của tác giả Douglas Boyd, Abdelbaset al-Megrahi, nhân viên an ninh 47 tuổi hãng hàng không Arab Airlines của Libya bị kết án 11 năm sau vụ việc chỉ là người bị oan. Tác giả cho rằng ông này bị kết án dựa trên những lời nói dối xoay quanh bằng chứng mơ hồ.
Sau nhiều năm điều tra thảm kịch Lockerbie, tác giả Douglas Boyd phát hiện ra rằng hầu như không có bằng chứng nào chống lại al-Megrahi có giá trị. Theo ông Boyd, vụ Lockerbie mang động cơ chính trị và bị che giấu từ cấp cao nhất ở London và Washington.
Những ngày và tháng sau vụ đánh bom, hàng nghìn cảnh sát, binh sĩ và nhân viên điều tra đặc biệt từ Cục Điều tra tai nạn hàng không Anh đã lùng sục khắp miền Nam Scotland, tìm mảnh vỡ trên khu vực rộng gần 4.000km2. Điều tra viên từ Cục Hàng không liên bang Mỹ và Cục Điều tra liên bang Mỹ cũng tham gia.
Đại diện Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng xuất hiện mà không rõ lý do. Nhiều tuần sau vụ đánh bom, một số vật cháy đen đã được tìm thấy gần Lockerbie và được gửi đi phân tích ở một cơ sở của Bộ Quốc phòng tại Kent. Tại đây, họ xác định được một số mảnh nhựa, dây và kim loại của một chiếc đài Toshiba. Chiếc đài chứa một quả bom và một miếng bảng mạch nhỏ còn sót lại của thiết bị hẹn giờ.
Sau 3 năm điều tra chung giữa Mỹ và Anh, chiếc đài trên và các bằng chứng khác đều chỉ về một hướng: Mặt trận Giải phóng Nhân dân Palestine – Tổng tư lệnh (PFLP-GC). Các tổ chức bí mật của PFLP-GC đã bị bắt trong một loạt cuộc đột kích tại Đức vài tuần trước vụ Lockerbie. Bom giấu trong đài Toshiba cùng với kho thuốc nổ, vũ khí, đạn dược đã bị phát hiện.
Ngay sau thảm kịch, Tổ chức Giải phóng Palestine công bố báo cáo nói rằng PFLP-GC đã được Iran trả tiền để đánh bom máy bay và Abu Elias là nghi can chính đã đột nhập vào kho hành lý của Pan Am ở Heathrow để gài bom. Khu vực xử lý hành lý đã bị vỡ cửa ngay trước khi chuyến bay 103 cất cánh.
Nhiều năm sau, thế giới bị thuyết phục bởi một câu chuyện rất khác, nhưng vào tháng 9/1989, bằng chứng về Iran dường như rõ ràng tới mức Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã ra thông cáo nói rằng: “Vụ đánh bom chuyến bay Pan Am đã được cựu Bộ trưởng Nội vụ Iran Ali-Akbar Mohtashamipurlên kế hoạch, ủy nhiệm và cấp tiền. Việc thực hiện vụ đánh bom được giao cho thủ lĩnh PFLP-GC Ahmad Jibril”.
Theo tác giả Boyd, ông Ahmad Jibril đã thuê chuyên gia chất nổ người Jordan là Marwan Khreesat thiết kế bom có thể lọt qua cửa kiểm tra hành lý tại sân bay và phát nổ phá hủy máy bay không để lại dấu vết. Jibril cũng cử người tới các trụ sở của PFLP-GC tại châu Âu ở Krusevav, Serbia để kích hoạt các nhóm ngầm ở Đức. Tháng sau đó, tên chịu trách nhiệm chế tạo bom được cử tới Neuss, Đức.
Cảnh sát theo dõi và nghi ngờ sắp có vụ đánh bom ở sân bay Frankfurt và phát hiện thấy nhóm trên mua đài, thiết bị máy tính, pin, đồng hồ, dây cáp.
Sau khi đột kích, cảnh sát Đức đã bắt tên chế tạo bom cùng với một lượng lớn vũ khí và thiết bị chế tạo bom. Chiếc đài Toshiba đã được chuyển thành một quả bom.
Vậy tại sao hai công dân Libya lại bị đổ lỗi gây ra vụ việc khi giới chức các nước đã có nhiều bằng chứng như vậy? Theo tác giả Boyd, câu trả lời nằm ở việc lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đưa quân vào Kuwait tháng 8/1990, gây ra Chiến tranh Vùng Vịnh thứ nhất. Mỹ muốn Iran và Syria ở cùng phe trong chiến tranh để chống lại Iraq.
Trong tình hình đó, Anh và Mỹ phải tìm ra một nghi phạm mới cho vụ Lockerbie và tháng 6/1991, một nhân viên CIA đã “có linh cảm” rằng giả thiết về Iran và PFLP-GC là đầu mối sai lầm. Thay vào đó, người này nhìn thấy sự tương đồng giữa vụ Lockerbie và vụ bắt giữ hai người Libya ở Senegal vì mang thuốc nổ và kích hoạt thiết bị giống như những mảnh vỡ tìm thấy trong vụ Lockerbie.
Giả thiết mới thu hút chú ý vì phương Tây vốn coi nhà lãnh đạo Libya Gaddafi là nhà tài trợ cho khủng bố. Libya bị quốc tế trừng phạt kinh tế từ vụ giết hại viên cảnh sát Anh Yvonne Fletcher ở London năm 1984. Viễn cảnh được dỡ lệnh trừng phạt đã khiến giới tình báo Libya nhanh chóng tìm một nghi phạm thế thân. Abdelbaset al-Megrahi đã bị chọn. Ông này đã đi nước ngoài công tác vào ngày 20 và 21/12, đi qua sân bay Luqa ở Malta vào cả hai ngày. Tất cả bằng đó thông tin là đủ bằng chứng.
Tình cờ CIA lại có một nhân vật Libya làm thợ sửa chữa cho hãng hàng không Arab Airlines của Libya tại Malta. Người này cho biết đã nhìn thấy al-Megrahi lấy một va li màu nâu từ khu vực sảnh đến ở sân bay Luqa (Malta) ngày 20/12. Sáng hôm sau, người này cho rằng chiếc va li không có người đi cùng đã được chất lên chuyến bay tới Frankfurt, rồi từ đó nó được đưa tới London trên chuyến bay 103 của Pan Am trước khi máy bay phát nổ.
Với bằng đó thông tin, al-Megrahi và một đồng phạm đã bị cáo buộc chính thức tại họp báo ở Edinburgh và Washington. Ông Gaddafi bị yêu cầu dẫn độ họ nhưng từ chối và xét xử họ ở Libya.
Al-Megrahi bị kết án, còn đồng phạm kia thoát tội. Tuy nhiên, vụ việc lộ những dấu hiệu dàn xếp, che giấu. Các nhân vật được FBI tiếp cận để đổi tiền lấy bằng chứng đều thú nhận đã nói dối. Người bán quần áo khai là Abdelbaset al-Megrahi có mua quần áo giống với quần áo ở trong chiếc vali chứa quả bom đặt trên máy bay cũng có vấn đề. Các điều tra viên bỏ qua câu hỏi làm sao khủng bố có thể gài bom ở Malta và để bom phát nổ trong hai chuyến bay sau đó.
Ngày 20/8/2009, al-Megrahi bị ung thư giai đoạn cuối và được thả vì lý do nhân đạo trước khi kháng án lần hai. Vụ thả al-Megrahi diễn ra sau khi các luật sư mới của ông này muốn công bố hàng trăm trang bằng chứng bị giữ trong phiên tòa xét xử đầu tiên. Các bằng chứng này liên quan tới Iran và PFLP-GC hơn là al-Megrahi và Libya. Nếu được công bố, đây sẽ là nỗi xấu hổ lớn với Mỹ và Anh.
Phần lớn người liên quan đều đã chết mà sự thật chưa được sáng tỏ. Al-Megrahi chết ngày 20/5/2012. Ông Jibril chết trong một vụ nổ bom xe năm 2014. Chuyên gia chất nổ Khreesat cũng đã chết. Duy chỉ có Abu Elias, người được cho là có khả năng đặt chiếc vali chứa bom lên chuyến bay 103 nhất thì vẫn còn sống và có thể đang sống ở Washington DC và được hưởng chế độ bảo vệ nhân chứng.