Tổ chức quyền lực
Là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ năm 1961, nay Qatar đột ngột tuyên bố dứt áo ra đi để tập trung hơn vào sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng. OPEC cho biết tôn trọng quyết định của Qatar và nước này không cần sự chấp thuận của OPEC trong việc rời khỏi tổ chức.
OPEC thành lập từ năm 1960 với 5 thành viên sáng lập là các quốc gia sản xuất dầu lớn, gồm Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela. Mục tiêu của OPEC là điều phối và thống nhất chính sách về dầu giữa các quốc gia thành viên; bình ổn thị trường dầu nhằm đảm bảo nguồn cung dầu một cách thường xuyên, kinh tế và hiệu quả cho người tiêu dùng; đảm bảo thu nhập ổn định cho nhà sản xuất và nguồn thu từ vốn công bằng cho những người đầu tư vào ngành dầu mỏ.
Trong thực tế, OPEC là một trong những tổ chức có quyền lực nhất trong cung cấp dầu thế giới vì tổ chức này sản xuất hơn một phần ba nguồn cung dầu toàn cầu. Một ngày bình thường, các nước OPEC sản xuất khoảng 32 triệu thùng dầu, khiến cho tổ chức này có ảnh hưởng lớn đối với số lượng thùng dầu sản xuất mỗi ngày và giá dầu nói chung.
Con số 32 triệu thùng/ngày có nghĩa là OPEC chiếm 40% sản lượng toàn cầu, giảm so với 50% trong những năm 1970. Tuy nhiên, khi kết hợp với 11,4 triệu thùng/ngày của Nga, thị phần này sẽ cao hơn nhiều. Theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ, OPEC chiếm 60% tổng lượng dầu được giao dịch trên toàn thế giới. OPEC cũng chiếm hơn 80% trữ lượng dầu đã được chứng minh của thế giới.
Khi tăng hoặc giảm sản lượng dầu, OPEC kiểm soát nguồn cung dầu, điều đó có nghĩa là OPEC có thể tăng hoặc giảm giá dầu. Điều này xảy ra đầu tháng 12 khi OPEC và Nga (không phải là thành viên OPEC) cho biết sẽ cắt nguồn cung dầu để đảm bảo giá không giảm quá nhiều trong năm tới.
OPEC luôn tìm cách ngăn chặn giá dầu thô rớt quá sâu và tăng quá cao. Phần lớn các thành viên OPEC đều phụ thuộc nặng nề vào doanh số bán dầu. Giá thấp có thể khiến ngân sách các nước bị báo động đỏ.
Tuy nhiên, giá dầu cao cũng có thể gây áp lực làm giảm mức cầu và ảnh hưởng tới doanh số. Giá dầu cao còn kích thích các nước ngoài OPEC tăng cường đưa dầu ra thị trường để cạnh tranh. Với người tiêu dùng, giá cao có thể khiến người tiêu dùng giảm phụ thuộc vào dầu bằng cách phát triển các nguồn lực trong nước và chuyển sang năng lượng thay thế.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng OPEC cố tình để giá dầu tăng cao. Trong cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1973-1974, các thành viên Arab trong OPEC đã áp đặt cấm vận Mỹ vì nước này ủng hộ quân đội Israel. Tác động là giá dầu tăng gấp bốn và thiếu hụt dầu. Năm 1979, lại có một cú sốc dầu nữa khi sản lượng dầu Iran sụt giảm trong Cách mạng Hồi giáo.
Nội bộ OPEC
Hiện ông Mohammed Barkindo ở Nigeria là Tổng thư ký của OPEC. Tuy nhiên, Saudi Arabia, nước đóng góp lớn nhất cho sản lượng dầu của OPEC, mới là thủ lĩnh trên thực tế của OPEC. Do đó, việc Qatar rời OPEC còn được cho là do bất đồng với Saudi Arabia.
Qatar là thành viên đầu tiên ngoài các thành viên sáng lập được kết nạp vào OPEC. Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ecuador, Nigeria và Algeria lần lượt vào OPEC. Hiện nay OPEC có 15 thành viên. Sau quyết định của Qatar, OPEC còn lại 14 thành viên.
Qatar không phải là quốc gia đầu tiên rời OPEC. Indonesia, Gabon và Ecuador đã rời OPEC trước đó. Cả ba đều quay trở lại sau này, chỉ có Indonesia là giai nhập lại rồi lại rút lần thứ hai năm 2016.
Ngoài các thành viên thường trực, OPEC cũng có một số quan sát viên là các nước sản xuất dầu cùng tham gia các cuộc họp của OPEC. Trong số những nước này có Ai Cập, Mexico, Na Uy, Nga và Oman.
Trong nhiều chục năm sau, OPEC thường xuyên bị chỉ trích vì vai trò trong điều chỉnh thị trường dầu toàn cầu, điều chỉnh sản lượng để cân bằng cung và cầu. Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế đã gọi OPEC là một cartel quốc tế vì OPEC kiểm soát các khía cạnh như giá, nguồn cung và các nhân tố khác.
Tuy nhiên, OPEC phản bác và nói rằng mình chỉ bảo vệ các quốc gia trước quyền lực của Nhóm bảy chị em (Seven Sisters), tức bảy tập đoàn dầu mỏ toàn cầu trong đó có BP, Royal Dutch Shell, Chevron, Exxon Mobil. Theo OPEC, tốt hơn là nguồn cung dầu và giá dầu nằm trong tay của một tổ chức như OPEC hơn là trong tay các công ty tư nhân.
OPEC họp hai lần mỗi năm tại trụ sở ở Vienna, Áo, thường là một lần vào cuối mùa xuân và một lần vào cuối mùa thu. Tại các cuộc họp, các bộ trưởng dầu mỏ thống nhất hạn ngạch sản xuất cho từng quốc gia và quyết định này được thông báo trong một tuyên bố chính thức. Các cuộc đàm phán bắt đầu trước cuộc họp chính thức nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Phần lớn sản lượng dầu của OPEC do các công ty dầu nhà nước sản xuất, giúp các quan chức kiểm soát sản lượng dễ hơn. Khác với Mỹ, các công ty là lực lượng chủ yếu và ra quyết định độc lập về sản lượng.
Tuy nhiên, các thành viên OPEC “khét tiếng” trong gian lận hạn ngạch vì không có biện pháp trừng phạt người vi phạm. Vì thế, các nhà sản xuất khác cũng trả đũa bằng cách gian lận.
Cạnh tranh với Mỹ
Cuộc cách mạng dầu đá phiến bắt đầu trong 10 năm trở lại đây đã khiến thị trường thế giới tràn ngập dầu, đe dọa tầm ảnh hưởng của OPEC.
Sản lượng dầu Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, hơn 11,4 triệu thùng/ngày, tức gấp đôi mức trung bình năm 2004. Dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ đạt mức trung bình 12,1 triệu thùng/ngày năm 2019.
Trong thực tế, Mỹ đã vượt sản lượng của Saudi Arabia và gần đây chiếm chỗ Nga trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới lần đầu tiên từ những năm 1970.
Dẫn dầu cuộc cách mạng dầu đá phiến là các nhà sản xuất Mỹ như Diamondback Energy, Continental Resources và EOG Resources. Các tập đoàn như Exxon Mobil và Chevron cũng đã mở rộng hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, giảm hoạt động ở Libya và các địa điểm Trung Đông khác do nguy cơ an ninh.
Dù vậy, giá dầu vẫn do các thị trường toàn cầu quyết định, có nghĩa là OPEC vẫn sẽ có vai trò trong thế giới sau cuộc cách mạng dầu đá phiến.