Chiến tranh Yom Kippur và chiến thắng... 'thất bại' của Israel - Kỳ 3: Gió đảo chiều

Sau một tuần viện trợ "nhỏ giọt", Nixon mới ra lệnh tiếp tế số lượng lớn. Ngay khi cuộc không vận của Mỹ bắt đầu, làn sóng chiến tranh chuyển hướng có lợi cho Israel.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Golda Meir (mặc váy) cùng với các chỉ huy quân đội trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, đến thăm một sở chỉ huy của IDF ở sa mạc Sinai. Ảnh: GPO

Đến ngày 9/10, cuộc phản công của Israel đi vào bế tắc. Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan tỏ ra mất bình tĩnh, còn nữ Thủ tướng Meir thì đang chấn động. Sau chưa đầy ba ngày chiến đấu, cuộc chiến đã tiêu tốn máy bay, xe tăng và đạn dược với tốc độ không thể chịu đựng được.

Khi bà Meir quay sang cầu cứu Washington để xin viện trợ, chính quyền Nixon đồng ý giúp đỡ nhưng vì những lý do vẫn còn gây tranh cãi nên họ đã hành động rất chậm chạp; gần một tuần trôi qua Nixon mới ra lệnh tiếp tế số lượng lớn. Vào ngày 14/10, cùng ngày cuộc không vận của Mỹ bắt đầu, làn sóng chiến tranh chuyển hướng có lợi cho Israel. Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Elazar gọi điện cho Thủ tướng Meir vào đêm đó lần đầu tiên với đánh giá lạc quan về cuộc chiến ở Sinai. “Golda, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúng ta đã trở lại với chính mình và người Ai Cập đang trở lại với chính họ”.

Những gì đã thay đổi? Để trả lời câu hỏi đó đòi hỏi phải nhìn về phía bắc, tới trận chiến với Syria trên Cao nguyên Golan.

Giống như người Ai Cập, binh lính Syria năm 1973 được huấn luyện tốt hơn nhiều so với năm 1967. Họ cũng tiến nhanh chóng trong ngày đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, không giống như người Ai Cập, họ đánh mất lợi thế rất nhanh. Đến ngày thứ hai, họ đã bị chặn lại. Đến ngày thứ ba, người Israel đã đẩy lùi được họ.

Chú thích ảnh
Một đoàn thiết giáp xa của Israel trên đường tiến vào Syria trong Chiến tranh Yom Kippur giữa Israel với Ai Cập và Syria, ngày 17/10/1973. Ảnh: Britannica

Chiến dịch của nhà lãnh đạo Syria Hafez al-Assad ở phía bắc Israel đã không thể thành công như chiến dịch của Tổng thống Ai Cập, Sadat ở phía nam, một phần vì người Syria đã không giăng được "chiếc ô" tên lửa SAM bất khả xâm phạm. Quan trọng hơn, ưu thế truyền thống của Israel trong chiến tranh cơ động đã cho phép họ giành chiến thắng trong các cuộc giao tranh với số lượng nhỏ xe tăng của họ trước các đội hình đông hơn về số lượng của Syria.

Nếu người Syria tận dụng được lợi thế sớm, họ có thể đã áp đảo quân phòng thủ Israel trên Cao nguyên Golan. Từ đó, họ có thể đổ xuống Galilee và tấn công dân thường không có khả năng tự vệ. Nhưng đội quân ít người hơn của Israel đã ngăn chặn bước tiến của Syria đủ lâu để cho phép một lượng lớn lực lượng dự bị đến. Tốc độ xoay chiều của cuộc chiến đã cướp đi chiến thắng của liên minh Arab giống như chiến thắng của Israel năm 1967.

Đến ngày 11/10, IDF đã đánh đuổi những kẻ tấn công ra khỏi Cao nguyên Golan và đang tiến về phía thủ đô Damascus của Syria. Tổng thống Hafez al-Assad kêu gọi sự hỗ trợ từ Sadat, cầu xin ông ngăn chặn cuộc tấn công của người Israel vào Syria bằng cách tấn công họ mạnh hơn ở Sinai. Ông yêu cầu quân đội Ai Cập khai thác lợi thế của mình và tiếp tục tiến về phía đông vào các đèo Mitla và Gidi ở trung tâm Sinai.

Nhưng một cuộc tiến công về phía đông tới các con đèo sẽ khiến xe tăng Ai Cập không còn nằm trong sự che chở của dàn tên lửa SAM. Và như vào năm 1967, chúng một lần nữa lại trở thành những "chú vịt non". Ưu thế trên không và lợi thế chiến thuật của Israel trong chiến tranh cơ động sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng.

Vì những lý do vẫn chưa được hiểu rõ, Sadat đã bỏ qua sự thận trọng và đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của Assad. Có phải ông bắt đầu say men chiến thắng sớm? Có phải người Liên Xô đã yêu cầu ông hỗ trợ đồng minh của họ là Assad? Liệu đồng minh từ Saudi Arabia, Vua Faisal, người mà ông cần để gây áp lực với người Mỹ, có phát huy ảnh hưởng của mình không?

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel sau chiến thắng trong Yom Kippur War. Ảnh: Getty Images

Dù lý do của Tổng thống Sadat là gì thì kết quả vẫn rất thảm khốc. Ngày 14/10, Lữ đoàn thiết giáp số 3 của Ai Cập mở cuộc tấn công về phía đèo Mitla với 124 xe tăng. Trong vòng chưa đầy 8 giờ, họđã mất 60 xe tăng, 9 xe bọc thép chở quân và hầu như toàn bộ pháo binh. Đến cuối ngày, tình báo IDF ước tính rằng quân Ai Cập đã mất 280 xe tăng - đủ để thay đổi cán cân của cuộc chiến.

Điều này đưa chúng ta trở lại cuộc gọi của Elazar tới Golda Meir. Nhận xét của ông về việc người Israel và người Ai Cập đã trở lại cân bằng xảy ra vào đêm ngày 14/10. Tuyên bố này đúng ở chỗ người Israel hiện đang chiếm thế thượng phong, nhưng một số trận giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc chiến vẫn đang chờ đợi họ. Quyết tâm tận dụng lợi thế của mình, bộ chỉ huy Israel đã phát triển một kế hoạch tung đòn hạ gục quân Ai Cập. Chiến dịch kêu gọi Ariel Sharon đảm bảo một cuộc vượt biển sang phía tây của con kênh, điều này sẽ cho phép ba sư đoàn thiết giáp của Israel bao vây Tập đoàn quân số 3 của Ai Cập, lực lượng chủ chốt nắm giữ lãnh thổ ở phía Israel.

Cảm thấy mình đang quay trở lại đà thắng năm 1967, người Israel lạc quan lên kế hoạch hoàn thành chiến dịch vượt biển trong hai ngày. Nhưng người Ai Cập đã chiến đấu để giành từng tấc lãnh thổ. Năm ngày tiếp theo chứng kiến những trận chiến xe tăng căng thẳng nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Một cuộc chạm trán đặc biệt khủng khiếp đã diễn ra vào đêm 15/10, tại một nơi được gọi là "Trang trại Trung Quốc".

Ariel Sharon (người sau này trở thành Thủ tướng Israel từ 2001-2006), một trong những anh hùng vĩ đại nhất của Israel trong cuộc chiến, mô tả cuộc tàn sát trong hồi ký của mình. Ông viết: “Cứ như thể một trận chiến tay đôi đã diễn ra vậy”. “Đến gần bạn có thể thấy những người Ai Cập và Do Thái chết nằm cạnh nhau, những người lính nhảy ra khỏi xe tăng đang bốc cháy và chết cùng nhau. Không có bức ảnh nào có thể diễn tả hết sự kinh hoàng của cảnh tượng này. . . . Về phía chúng tôi, đêm đó chúng tôi đã mất 300 người chết và hàng trăm người khác bị thương.”

Chú thích ảnh
Quân đội Israel canh gác tù nhân chiến tranh trong cuộc chiến năm 1973. Ảnh: Getty Images

Nhưng Sharon vẫn tiến lên và vượt qua kênh Suez. Sơ hở này của đối phương cho phép lực lượng Israel đe dọa hậu phương của Tập đoàn quân số 3 Ai Cập, lực lượng đang trấn giữ mũi phía tây nam của Bán đảo Sinai. Nếu Tập đoàn quân số 3 bị nghiền nát, Ai Cập sẽ mất chỗ đứng ở Sinai. Lo sợ thất bại hoàn toàn, Tổng thống Ai Cập kêu gọi ngừng bắn. Áp lực đè nặng lên cả hai bên từ những người bảo trợ siêu cường của họ, và Israel đã tạm dừng bước tiến của mình.

Cuộc chiến đã gây thiệt hại khủng khiếp cho cả hai bên. Ai Cập và Syria mất khoảng 15.600 binh sỹ trong cuộc chiến, với khoảng 35.000 người bị thương. Quân Israel mất 2.569 người và 7.251 người bị thương. Người Ai Cập và Syria mất 440 máy bay; Israel, 102. Liên minh Arab mất 2.250 xe tăng và 770 khẩu pháo; Israel mất khoảng 1.000 xe tăng và 25 khẩu pháo. 12 tàu tên lửa Arab bị đánh chìm; người Israel không thua mất chiếc nào.

Xem tiếp Kỳ 4: Sai lầm

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Mosaic Magazine)
Chiến tranh Yom Kippur và chiến thắng... 'thất bại' của Israel - Kỳ cuối: Tính toán của Kissinger
Chiến tranh Yom Kippur và chiến thắng... 'thất bại' của Israel - Kỳ cuối: Tính toán của Kissinger

Chứng kiến Israel dám đối đầu không chỉ với Ai Cập mà còn với Liên Xô, Nixon và Kissinger tính toán rằng nhà nước Do Thái có thể giúp thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông. Israel thậm chí có thể đóng vai trò là điểm tựa để lật Cairo từ phe Liên Xô sang phe Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN